Không dừng xe theo lệnh cảnh sát là chống người thi hành công vụ?
Nội dung chính
Không dừng xe theo lệnh cảnh sát là chống người thi hành công vụ?
Chống người thi hành công vụ được hiểu là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.
Hành vi bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng lại để kiểm tra, xử phạt nhưng bạn không chấp hành mà vẫn điều khiển xe đi tiếp không đủ dấu hiệu cho thấy đã có hành vi chống người thi hành công vụ. Đó chỉ là hành vi không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.
Trường hợp điều khiển ôtô không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông, theo điểm b khoản 5 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 1.200.000 đến 2.000.000 đồng.
Theo điểm d khoản 8, khoản 10 Điều 5 Nghị định này, trường hợp điều khiển xe ô tô lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ thì bị phạt tiền từ 18.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Trường hợp điều khiển xe máy không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông, theo điểm m khoản 4 Điều 6 Nghị định 46/2016, bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.
Theo khoản 9, khoản 10 Điều 6 Nghị định 46/2016, trường hợp điều khiển xe máy buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe... mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, tùy trường hợp vi phạm, người vi phạm còn bị xử phạt bổ sung bằng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong thời hạn nhất định.
Về tiền án, tiền sự
Pháp luật chưa có định nghĩa cụ thể về tiền án, tiền sự. Tuy nhiên, có thể hiểu tiền án là trường hợp vi phạm pháp luật hình sự đã bị kết án và chưa được xóa án tích.
Tiền sự là trường hợp đã bị kỷ luật hành chính, bị xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp xử lý hành chính, hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa đến mức xử lý hình sự, mà chưa được xóa kỷ luật, chưa được xóa việc xử phạt hành chính.
Tiền sự là một tình tiết về nhân thân người vi phạm, được xem xét, cân nhắc khi quyết định hình thức và mức độ xử lý khi người có tiền sự có hành vi vi phạm pháp luật mới; trong luật hình sự, tiền sự ở dạng đã bị xử lý hình chính là yếu tố bắt buộc của cấu thành một số tội phạm.
Như vậy, trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính mà chưa được “xóa việc xử phạt vi phạm hành chính” (chưa đến thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính theo Luật xử lý vi phạm hành chính) thì có thể bị xem là có tiền sự.
“Xóa tiền sự” (“xóa vi phạm hành chính” hay thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính) là trường hợp:
- Cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm
- Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc một năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm (Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012).