08:37 - 14/11/2024

Khi nào thì tìm thấy vật bị chôn có thể sở hữu?

Khi nào thì tìm thấy vật bị chôn có thể sở hữu? Bò đi lạc đem về nuôi mà sau đó không có ai đến nhận thì giải quyết như thế nào? Bắt được gia súc đi lạc có được giết thịt hay không?

Nội dung chính

     

    Khi nào thì tìm thấy vật bị chôn có thể sở hữu?

    Tôi tên Tín năm nay 34 tuổi quê ở Phú Yên. Hôm trước tôi ra vườn nhà trồng cây thì đào thấy một túi vàng nhỏ tầm 5 chỉ vàng, nhà là do cha tôi để lại nhưng cha tôi đã mất đc 10 năm, khi dò hỏi thì không biết ai sở hữu số vàng đó. Tôi muốn hỏi là khi mình tìm thấy đồ vật được chôn trong vườn nhà thì nó có phải là của mình không? Tôi có thể sở hữu 5 chỉ vàng bị chôn đó khi nào?, mong được giải đáp câu hỏi.

     

    Căn cứ Điều 221 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong trường hợp sau:

    - Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, do hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.

    - Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.

    - Thu hoa lợi, lợi tức.

    - Tạo thành tài sản mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến.

    - Được thừa kế.

    - Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên.

    - ...

    Bên cạnh đó, tại Điều 229 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy như sau:

    - Người phát hiện tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

    - Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

    + Tài sản được tìm thấy là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì thuộc về Nhà nước; người tìm thấy tài sản đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật;

    + Tài sản được tìm thấy không phải là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa mà có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu tài sản tìm thấy có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.

    Theo đó, tại Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định từ ngày 01 tháng 7 năm 2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng.

    Như vậy, theo quy định hiện hành đối chiếu với trường hợp của bạn, thì bạn chỉ có thể làm chủ sở hữu của vật bị chôn cất khi tài sản đó không xác định được người sở hữu, không phải là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa mà có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 10 mức lương cơ sở. Trong trường hợp lớn hơn 10 lần mức lương cơ sở thì bạn sẽ nhận được 50% giá trị của tài sản.

     

    Bò đi lạc đem về nuôi mà sau đó không có ai đến nhận thì giải quyết như thế nào?

    Hôm trước, tôi đang làm rẫy thì thấy có con bò nó đi lạc vào rẫy nhà tôi, tôi nghĩ là chắc là bò ai người ta chăn gần đây nên cũng kệ. Nhưng mấy hôm sau khi đi làm ở rẫy tôi vẫn thấy con bò nó loanh quanh ở đây. Tôi có đi hỏi xung quanh nhưng mọi người cũng bảo không biết con bò đó của ai. Cho nên, tôi quyết định dẫn con bò về nhà nuôi, nếu có ai đến nhận thì tôi sẽ trả lại cho họ. Vậy cho tôi hỏi, trường hợp mà không có ai đến nhận thì tôi có được quyền giữ lại con bò luôn không ạ? Mong nhận được giải đáp, tôi cảm ơn.

     

    Căn cứ Điều 231 Bộ luật dân sự 2015 quy định về xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc như sau:

    1. Người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 06 tháng, kể từ ngày thông báo công khai hoặc sau 01 năm đối với gia súc thả rông theo tập quán thì quyền sở hữu đối với gia súc và số gia súc được sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia súc.

    2. Trường hợp chủ sở hữu được nhận lại gia súc bị thất lạc thì phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được gia súc. Trong thời gian nuôi giữ gia súc bị thất lạc, nếu gia súc có sinh con thì người bắt được gia súc được hưởng một nửa số gia súc sinh ra hoặc 50% giá trị số gia súc sinh ra và phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia súc.

    Như vậy, theo quy định trên việc bạn dẫn bò bị lạc về nhà nuôi là không sai. Tuy nhiên, để đảm bảo không vi phạm quy định của pháp luật thì bạn cần báo cho UBND xã để họ thông báo công khai cho mọi người biết việc này. Nếu sau 06 tháng kể từ ngày thông báo mà không có ai đến nhận lại thì con bò đó thuộc quyền sở hữu của bạn.

     

    Bắt được gia súc đi lạc có được giết thịt hay không?

    Tôi trong lúc làm vườn thì phát hiện một con bò đi lạc vào đất của gia đình mình. Cho hỏi tôi có được giết con bò này để lấy thịt hay không?

     

    Căn cứ Điều 231 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc như sau:

    - Người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 06 tháng, kể từ ngày thông báo công khai hoặc sau 01 năm đối với gia súc thả rông theo tập quán thì quyền sở hữu đối với gia súc và số gia súc được sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia súc.

    - Trường hợp chủ sở hữu được nhận lại gia súc bị thất lạc thì phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được gia súc. Trong thời gian nuôi giữ gia súc bị thất lạc, nếu gia súc có sinh con thì người bắt được gia súc được hưởng một nửa số gia súc sinh ra hoặc 50% giá trị số gia súc sinh ra và phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia súc.

    Như vậy, theo quy định trên khi bạn bắt được gia súc đi lạc thì phải thông báo cho UBND cấp xã để tìm người nhận lại gia súc. Trong thời gian tối đa 1 năm mà không có người tới nhận lại gia súc thì gia súc đó thuộc về bạn. Nếu bạn diết thịt gia súc ngày thì khi chủ sở hữu gia súc tới nhận lại bạn sẽ phải bồi thường thiệt hại.

    Ngoài ra nếu gia súc đi lạc vào đất của bạn và gây thiệt hại cho bạn thì bạn cũng có quyền yêu cầu chủ gia súc bồi thường thiệt hại.

    193
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ