16:13 - 13/12/2024

Khi nào được tổ chức bắn pháo hoa nổ?

Pháo hoa nổ là gì? Khi nào được tổ chức bắn pháo hoa nổ? Việc bảo quản pháo hoa nổ được như thế nào?

Nội dung chính

    Pháo hoa nổ là gì?

    Căn cứ tạ điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về pháo hoa nổ như sau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    1. Pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhành, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ. Pháo bao gồm: Pháo nổ, pháo hoa.
    a) Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian;
    Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ;
    Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m;
    ...

    Theo quy định trên, pháo hoa nổ là pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và có hiệu ứng màu sắc trong không gian.

    Khi nào được tổ chức bắn pháo hoa nổ? (Hình từ internet)

    Khi nào được tổ chức bắn pháo hoa nổ?

    Căn cứ Điều 11 Nghị định 137/2020/NĐ-CP( được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 3 Nghị định 56/2023/NĐ-CP) quy định về các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ như sau:

    (1) Tết Nguyên đán

    - Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;

    - Thời gian bắn vào thời điểm giao thừa Tết Nguyên đán.

    (2) Giỗ Tổ Hùng Vương

    - Tỉnh Phú Thọ được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại khu vực Đền Hùng;

    - Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 09 tháng 3 âm lịch.

    (3) Ngày Quốc khánh

    - Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;

    - Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 02 tháng 9.

    (4) Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ

    - Tỉnh Điện Biên được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại Thành phố Điện Biên Phủ;

    - Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 07 tháng 5.

    (5) Ngày Chiến thắng (ngày 30 tháng 4 dương lịch)

    - Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;

    - Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 30 tháng 4.

    (6) Kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

    - Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;

    - Thời gian bắn vào 21 giờ ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

    (7) Sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế.

    (8) Trường hợp khác do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định sau khi có văn bản trao đổi thống nhất với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

    Bảo quản pháo hoa nổ như thế nào?

    Căn cứ Điều 6 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về Quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo như sau;

    (1) Việc quản lý, bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

    - Bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định;

    - Kho cất giữ, bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy, chữa cháy, chống sét, kiểm soát tĩnh điện và bảo vệ môi trường theo quy định, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia và các quy định của pháp luật có liên quan;

    - Kho cất giữ, bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải có nội quy, quy định về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy; có phương án bảo vệ, bố trí lực lượng bảo vệ và tổ chức canh gác 24/24 giờ; kiểm tra, kiểm soát điều kiện bảo đảm an ninh, an toàn, phòng cháy, chữa cháy đối với người, phương tiện ra, vào và làm việc trong khu vực kho; có biển cấm, biển báo, chỉ dẫn các quy định liên quan đến công tác an toàn, phòng chống cháy, nổ; niêm yết quy trình sắp xếp, bảo quản, xuất, nhập; kế hoạch ứng cứu khẩn cấp; phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phương án bảo đảm an ninh, trật tự và kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

    (2) Đối với pháo, thuốc pháo thu giữ từ các vụ án, vụ việc và cơ quan, tổ chức, cá nhân giao nộp phải quản lý, bảo quản chặt chẽ theo quy định của pháp luật; kho cất giữ phải bảo đảm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

    (3) Quá trình bốc xếp, vận chuyển, bảo quản pháo, thuốc pháo tránh va chạm mạnh, tránh xa các nguồn nhiệt, điện; tuyệt đối cấm lửa hoặc các vật dụng có thể gây ra lửa, tia lửa.

    23