Khám xét người theo thủ tục hành chính phải có quyết định khám xét không?
Nội dung chính
Khám xét người theo thủ tục hành chính phải có quyết định khám xét không?
Tại Điều 127 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, có quy định:
1. Việc khám người theo thủ tục hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng người đó cất giấu trong người đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
2. Những người được quy định tại khoản 1 Điều 123 của Luật này có quyền quyết định khám người theo thủ tục hành chính.
Trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính bị tẩu tán, tiêu hủy, thì ngoài những người được quy định tại khoản 1 Điều 123 của Luật này, chiến sĩ cảnh sát nhân dân, cảnh sát viên cảnh sát biển, chiến sĩ bộ đội biên phòng, kiểm lâm viên, công chức hải quan, kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ được khám người theo thủ tục hành chính và báo cáo ngay bằng văn bản cho thủ trưởng của mình là một trong những người được quy định tại khoản 1 Điều 123 của Luật này và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khám người.
3. Việc khám người phải có quyết định bằng văn bản, trừ trường hợp cần khám ngay theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều này.
4. Trước khi tiến hành khám người, người khám phải thông báo quyết định cho người bị khám biết. Khi khám người, nam khám nam, nữ khám nữ và phải có người cùng giới chứng kiến.
5. Mọi trường hợp khám người đều phải lập biên bản. Quyết định khám người và biên bản khám người phải được giao cho người bị khám 01 bản.
=> Như vậy, theo quy định trên thì khi thực hiện việc khám xét người theo thủ tục hành chính bắt buộc phải có quyết định khám người trừ trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính bị tẩu tán, tiêu hủy.