08:34 - 23/09/2024

Khách hàng bị chuyển nợ quá hạn khi nào? Khách hàng không trả được nợ đến hạn thì tổ chức tín dụng có quyền thực hiện biện pháp gì?

Dự nợ gốc quá hạn là gì? Khách hàng bị chuyển nợ quá hạn khi nào?

Nội dung chính


    Dự nợ gốc quá hạn là gì?

    Tại khoản 11 Điều 2 Thông tư 39/2016/TT-NHNN có quy định như sau:

    Giải thích từ ngữ

    Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

    ....

    11. Dư nợ gốc bị quá hạn bao gồm:

    a) Số dư nợ gốc bị chuyển nợ quá hạn theo quy định tại Điều 20 Thông tư này;

    b) Số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ trước hạn khi tổ chức tín dụng chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Thông tư này

    ...

    Như vậy, dư nợ gốc quá hạn là số dư nợ gốc bao gồm:

    - Số dư nợ gốc bị chuyển nợ quá hạn mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận.

    - Số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ trước hạn khi tổ chức tín dụng chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo nội dung đã thỏa thuận khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm quy định trong thỏa thuận cho vay và/hoặc hợp đồng bảo đảm tiền vay.

    Dự nợ gốc quá hạn là gì? Khách hàng bị chuyển nợ quá hạn khi nào? (Hình từ Internet)

    Khách hàng bị chuyển nợ quá hạn khi nào?

    Tại Điều 20 Thông tư 39/2016/TT-NHNN có quy định về nợ quá hạn cụ thể như:

    Nợ quá hạn

    Tổ chức tín dụng chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được tổ chức tín dụng chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ; thông báo cho khách hàng về việc chuyển nợ quá hạn. Nội dung thông báo tối thiểu bao gồm số dư nợ gốc bị quá hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn.

    Như vậy, khách hàng bị chuyển nợ quá hạn khi họ không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được tổ chức tín dụng chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

    Khách hàng không trả được nợ đến hạn thì tổ chức tín dụng có quyền thực hiện biện pháp gì?

    Tại Điều 21 Thông tư 39/2016/TT-NHNN có quy định về chấm dứt cho vay, xử lý nợ, miễn, giảm lãi tiền vay, phí như sau:

    Chấm dứt cho vay, xử lý nợ, miễn, giảm lãi tiền vay, phí

    1. Tổ chức tín dụng có quyền chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo nội dung đã thỏa thuận khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm quy định trong thỏa thuận cho vay và/hoặc hợp đồng bảo đảm tiền vay. Khi thực hiện chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo thỏa thuận trong thỏa thuận cho vay, tổ chức tín dụng phải thông báo cho khách hàng về việc chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn. Nội dung thông báo tối thiểu bao gồm thời điểm chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn, số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn; thời hạn hoàn trả số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn.

    2. Trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, thì tổ chức tín dụng có quyền áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo thỏa thuận cho vay, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp sau khi áp dụng các biện pháp thu hồi nợ nhưng vẫn không đủ để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ đối với tổ chức tín dụng, thì khách hàng có trách nhiệm tiếp tục trả đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay cho tổ chức tín dụng.

    3. Trường hợp khách hàng hoặc bên bảo đảm bị tòa án quyết định mở thủ tục phá sản hoặc tuyên bố phá sản, thì việc thu hồi nợ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, bên bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.

    4. Tổ chức tín dụng có quyền quyết định miễn, giảm lãi tiền vay, phí cho khách hàng theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng.

    Như vậy, khách hàng không trả được nợ đến hạn thì tổ chức tín dụng có quyền thực hiện biện pháp thu hồi nợ.

    Trường hợp sau khi thu hồi nợ nhưng vẫn không đủ để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ đối với tổ chức tín dụng, thì khách hàng có trách nhiệm tiếp tục trả đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay cho tổ chức tín dụng.

     

    63