Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu phân bón, gạo, NaNo Bạc
Nội dung chính
Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu phân bón, gạo, NaNo Bạc
1. Công ty chúng tôi đã được công bố hợp quy mặt hàng phân bón hữu cơ Ozi nhập khẩu từ Bỉ (đã có tên trong danh mục công bố hợp quy của BNNPTNT). Tuy nhiên, hiện tại đối tác của chúng tôi đang tạm dừng sản xuất và cùng sản phẩm mà công ty đã sử dụng để khảo nghiệm. Vậy chúng tôi có thể sử dụng kết quả công bố hợp quy của Ozi để nhập khẩu kinh doanh tiêu dùng sản phẩm phân bón có tên gọi khác, không thuộc nước Bỉ, nhưng thành phần, hàm lượng và công dụng, đặc điểm tính năng.. hoàn toàn giống với sản phẩm Ozi được không? Nếu được thì thủ tục như thế nào?
2. Chúng tôi đang nhập khẩu sản phẩm Công Nghệ Nano Bạc (Siver nanoparticles) phục vụ cho ngành nông nghiệp và các lĩnh vực của đời sống cụ thể cơ chế hoạt động như sau:
Trong nông nghiệp: tiêu diệt các loại virus, vi khuẩn và nấm gây bệnh, xử lý nước tưới, đất trồng mà không gây hại cho môi trường và sức khoẻ con người, không gây độc hại trên sản phẩm trước và sau thu hoạch.
Trong thực phẩm: rửa thực phẩm, khử trùng dụng cụ, thiết bị, bao bì đựng thực phẩm…
Trong công nghiệp, công nghệ vật liệu: diệt các loại nấm khuẩn, tăng độ bền cho thiết bị, máy móc và vật liệu…
Trong y tế: khử trùng trang thiết bị, dụng cụ, diệt các loại virus, vi khuẩn, nấm bệnh, khử mùi…
Trong xử lý môi trường: khử mùi, xử lý nước uống và nước thải, rác thải…
Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ-hải sản: diệt các nguồn virus-nấm-khuẩn gây bệnh trong nước, không khí và phế phẩm, khử mùi…
Ứng dụng trong nông nghiệp: - Tiêu diệt các loại virus, nấm, khuẩn gây hại cho cây trồng - Phổ tác dụng rộng, không tạo triệu chứng kháng thuốc - Giúp cho cây trồng khoẻ mạnh, cho năng xuất cao, mẫu mã đẹp - Thân thiện với môi trường và sức khoẻ con người - Không độc hại trên sản phẩm trước và sau thu hoạch - Giúp cho bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Cơ chế tác dụng: các hạt bạc nano sẽ bám quanh virus, vi khuẩn và nấm bệnh để phá huỷ hệ thống enzyme, làm ngừng hoạt động trao đổi oxy chúng và dẫn đến tiêu diệt các mầm bệnh trong thời gian ngắn.
Như vậy, sản phẩm chúng tôi nhập sẽ có mã số HS như thế nào, các chương trong biểu thuế nào phù hợp với dòng sản phẩm chúng tôi dự định nhập khẩu?
3. Lần trước chúng tôi đã có đặt câu hỏi về sản phẩm gạo nhập khẩu từ campuchia, nhưng vẫn còn 1 số thắc mắc. Nếu gạo của chúng tôi đã được đóng trong bao bì bán lẻ (có tên nhãn hiệu các thông tin để sẵn sàng bán lẻ ra thị trường của nhà xuất khẩu tại Campuchia) thì chúng tôi có thể áp dụng mã số HScode 1006.30.99 hay không? Những sản phẩm nào sẽ được xếp vào loại khác với mã số HS Code này?
1. Đối với mặt hàng phân bón.
Căn cứ Điểm 5 Công văn số 512/TT-QLCL ngày 31/03/2014 của Cục trồng trọt quy định:
“...5. Giấy chứng nhận hợp quy bổ sung nội dung: Phương thức chứng nhận hợp quy, hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy”.
Như vậy, trường hợp công ty có sự thay đổi nội dung về tên hàng, nhà sản xuất nên không thuộc trường hợp bổ sung nội dung của chứng nhận hợp quy đã công bố. Do đó, công ty không thể sử dụng chứng nhận hợp quy của Ozi nhập khẩu từ Bỉ cho lô hàng có tên gọi khác và nhà sản xuất khác. Đề nghị công ty liên hệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương để được hướng dẫn cụ thể.
2. Mã HS của sản phẩm công nghệ nano bạc
- Việc xác định thuế suất thuế nhập khẩu dựa vào mã số HS của mặt hàng công ty dự kiến nhập khẩu. Do công ty không cung cấp hồ sơ chi tiết, catalogue, tài liệu kỹ thuật về mặt hàng nhập khẩu nên chúng tôi không xác định được chính xác mã HS của hàng hoá.
Lưu ý, căn cứ để áp mã số thuế là căn cứ vào hàng hóa thực tế nhập khẩu của công ty tại thời điểm nhập khẩu, trên cơ sở doanh nghiệp cung cấp catalogue, tài liệu kỹ thuật (nếu có) hoặc/và đi giám định tại Trung tâm phân tích phân loại của Hải quan (nay là Cục Kiểm định các khu vực). Kết quả kiểm tra thực tế của hải quan nơi công ty làm thủ tục và kết quả phân tích phân loại xác định là cơ sở pháp lý và chính xác để áp mã đối với hàng hóa nhập khẩu đó.
- Để xác định chính xác mã số HS, trước khi làm thủ tục hải quan, công ty có thể đề nghị xác định trước theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.
3. Mã HS mặt hàng gạo
- Căn cứ chú giải của hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hoá thì:
Phân nhóm 1006.30: - Gạo đã xát toàn bộ hoặc sơ bộ, đã hoặc chưa được đánhbóng hoặc hồ (glazed)
(3) Gạo đã xát sơ bộ, tức là gạo còn nguyên hạt nhưng một phần vỏ lụa đã bị tách.
(4) Gạo đã xát toàn bộ, gạo nguyên hạt đã được xát hết phần vỏ lụa bằng máy xát (hình phễu). Loại gạo đã xát trắng có thể được đánh bóng hoặc hồ, làm cho gạo trông đẹp hơn.
Đánh bóng gạo, tẩy đi phần cám đục còn bám lại hạt gạo xát trắng thông thường, bằng các máy có trang bị bàn chải hoặc các máy đánh bóng (hình phễu).
Hồ gạo, tức là bao phủ ngoài vỏ gạo bằng một hỗn hợp gồm glucose và bột talc bằng các máy hồ gạo.
Nhóm này cũng bao gồm loại gạo hồ dầu (Camolino) là loại gạo đã xát trắng được phủ một lớp dầu mỏng.
Như vậy, trường hợp mặt hàng “gạo” của công ty đã xát toàn bộ hoặc sơ bộ, đã hoặc chưa được đánh bóng hoặc hồ (glazed) mà không phân loại được vào các mã HS 1006.30.30 (gạo nếp), 1006.30.40 (Gạo Thai Hom Mali) thì phân vào “loại khác”. Trong đó, mã HS 1006.30.91 là Gạo đã luộc sơ, còn lại phân loại vào mã 1006.30.99.