Hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có tính chất và mục đích theo quy định pháp luật như thế nào?
Nội dung chính
Hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có tính chất và mục đích theo quy định pháp luật như thế nào?
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo quy định tại Điều 32 Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam 2015 quy định về tính chất, mục đích và nguyên tắc phản biện xã hội của MTTQVN như sau:
- Phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc đề nghị các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án (sau đây gọi chung là dự thảo văn bản) của cơ quan nhà nước.
- Phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang tính xã hội, khách quan, khoa học, xây dựng, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả của văn bản; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.
- Hoạt động phản biện xã hội được thực hiện theo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm sự tham gia của thành viên, hội viên, đoàn viên và Nhân dân; tôn trọng các ý kiến khác nhau nhưng không trái với quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Bên cạnh đó, tại Điều 35 Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam 2015 quy định về quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động phản biện xã hội như sau:
- Xây dựng nội dung, kế hoạch phản biện xã hội.
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo gửi dự thảo văn bản và thông tin, tài liệu cần thiết.
- Thực hiện các hình thức phản biện xã hội.
- Xây dựng văn bản phản biện và gửi đến cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện.
- Yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo trả lời bằng văn bản đối với kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.