Hồ sơ ly hôn gồm những gì? Có mấy hình thức gửi đơn ly hôn?
Nội dung chính
Hồ sơ ly hôn gồm những gì?
Anh/chị có thể tham khảo hồ sơ ly hôn như sau:
(1) Đối với trường hợp thuận tình ly hôn, hồ sơ ly hôn gồm:
- Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (theo mẫu được ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP);
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
- Sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực);
- CMND/CCCD/hộ chiếu (bản sao có chứng thực);
- Giấy khai sinh của con (bản sao);
- Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung.
(2) Đối với trường hợp đơn phương ly hôn, hồ sơ ly hôn gồm:
- Đơn xin ly hôn đơn phương;
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (Bản chính);
- CMND/CCCD/Hộ chiếu của người khởi kiện ly hôn;
- Sổ hộ khẩu của vợ chồng;
- Bản sao công chứng giấy khai sinh của con nếu có con chung;
- Giấy tờ liên quan chứng minh tài sản trong trường hợp có tranh chấp về tài sản, chia tài sản chung như Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Bản sao Giấy đăng ký xe của xe ô tô, xe máy,...Ngoài ra nếu số tiền trong tài khoản ngân hàng là tài sản chung thì phải có sao kê của ngân hàng kèm theo.
Nếu vợ, chồng có chia nợ chung thì phải có giấy tờ liên quan như Giấy vay tiền; hợp đồng vay tiền; hợp đồng thế chấp, cầm cố...
Lưu ý: Các trường hợp ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con; ly hôn đơn phương vắng mặt; ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài,… thì cần bổ sung thêm các giấy tờ liên quan.
Hồ sơ ly hôn gồm những gì? Có mấy hình thức gửi đơn ly hôn? (Hình từ Internet)
Ai phải đóng tiền tạm ứng án phí ly hôn?
Tại Điều 146 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí như sau:
Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí
1. Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí.
2. Người nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự phải nộp tiền tạm ứng lệ phí giải quyết việc dân sự đó, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí.
Đối với yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì vợ, chồng có thể thỏa thuận về việc nộp tiền tạm ứng lệ phí, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí theo quy định của pháp luật. Trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được người nộp tiền tạm ứng lệ phí thì mỗi người phải nộp một nửa tiền tạm ứng lệ phí.
Như vậy, trong trường hợp ly hôn đơn phương thì người nộp đơn yêu cầu ly hôn đơn phương phải đóng tiền tạm ứng án phí ly hôn.
Đối với yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn thì vợ, chồng có thể thỏa thuận về việc nộp tiền tạm ứng lệ phí, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí theo quy định của pháp luật.
Trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được người nộp tiền tạm ứng lệ phí thì mỗi người phải nộp một nửa tiền tạm ứng lệ phí.
Có mấy hình thức gửi đơn ly hôn?
Tại Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định về việc gửi đơn khởi kiện đến Tòa án như sau:
Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án
1. Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:
a) Nộp trực tiếp tại Tòa án;
b) Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
c) Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
2. Ngày khởi kiện là ngày đương sự nộp đơn khởi kiện tại Tòa án hoặc ngày được ghi trên dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi.
Trường hợp không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu chính nơi gửi thì ngày khởi kiện là ngày đương sự gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính. Đương sự phải chứng minh ngày mình gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính; trường hợp đương sự không chứng minh được thì ngày khởi kiện là ngày Tòa án nhận được đơn khởi kiện do tổ chức dịch vụ bưu chính chuyển đến.
3. Trường hợp người khởi kiện gửi đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn.
4. Trường hợp chuyển vụ án cho Tòa án khác theo quy định tại Điều 41 của Bộ luật này thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn khởi kiện đến Tòa án đã thụ lý nhưng không đúng thẩm quyền và được xác định theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
5. Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điều này.
Như vậy, cá nhân có thể nộp đơn ly hôn đến Toà án bằng 02 hình thức:
- Đến trực tiếp Toà án nhân dân
- Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
- Gửi trực tuyến (online) thông qua cổng thông tin điện tử của Toà án nhân dân nếu Toà án này đã có Cổng thông tin điện tử.