Hộ gia đình có cần phải trang bị bình phòng cháy chữa cháy không?
Thời gian gần đây có nhiều vụ cháy xảy ra, do đó ở địa phương tôi đã tiến hành ra soát và yêu cầu mỗi hộ gia đình phải trang bị bình chữa cháy tại nhà. Bình chữa cháy phải đảm bảo chất lượng nếu không sẽ bị phạt tiền theo pháp luật. Tôi thấy rất bất tiện nên có thắc mắc là hộ gia đình có cần phải trang bị bình phòng cháy chữa cháy không? Hộ gia đình trang bị bình chữa cháy không bảo đảm chất lượng bị phạt bao nhiêu tiền?
Nội dung chính
1. Hộ gia đình có cần phải trang bị bình phòng cháy chữa cháy không?
Tại Điều 7 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với hộ gia đình như sau:
1. Hộ gia đình phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Phòng cháy và chữa cháy.
2. Hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:
a) Điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
c) Có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh.
3. Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải được chủ hộ gia đình tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.
4. Hộ gia đình quy định tại khoản 2 Điều này đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy tương ứng với loại hình cơ sở theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.
Tại khoản 1 Điều 17 Luật phòng cháy và chữa cháy 2001 quy định như sau:
1. Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy.
Theo quy định trên thì hộ gia đình phải có phương tiện chữa cháy phù hợp với đặc điểm của từng hộ. Quy định không bắt buộc phải bố trí bình chữa cháy với từng hộ gia đình.
2. Hộ gia đình trang bị bình chữa cháy không bảo đảm chất lượng bị phạt bao nhiêu tiền?
Tại Khoản 1 Điều 44 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về Vi phạm quy định về trang bị, bảo quản và sử dụng phương tiện phòng cháy và chữa cháy như sau:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Làm che khuất, cản trở lối tiếp cận phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
b) Sử dụng phương tiện chữa cháy thông dụng không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật;
c) Không lập hồ sơ quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
4. Hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật vi phạm các quy định của Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân.
Như vậy, nếu hộ gia đình bạn trang bị bình chữa cháy không bảo đảm chất lượng theo quy định thì có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo pháp luật.
3. Chủ hộ gia đình có phải tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy không?
Tại Khoản 1 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về đối tượng phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy như sau:
1. Đối tượng phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy
a) Người có chức danh chỉ huy chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Phòng cháy và chữa cháy;
b) Thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở;
c) Thành viên đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành;
d) Người làm việc trong môi trường có nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thường xuyên tiếp xúc với hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;
đ) Người điều khiển phương tiện, người làm việc trên phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hành khách trên 29 chỗ ngồi và phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;
e) Người làm nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy tại các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
g) Thành viên đội, đơn vị phòng cháy và chữa cháy rừng.
Theo đó, chỉ có các đối tượng nêu trên phải tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy. Chủ hộ gia đình không thuộc đối tượng trên nên không cần bắt buộc phải tham gia.
Trân trọng!