13:50 - 28/09/2024

Đương sự có được thay đổi lời khai trong quá trình giải quyết vụ án dân sự không?

Đương sự có được thay đổi lời khai trong quá trình giải quyết vụ án dân sự không? Lấy lời khai đương sự như thế nào? Trong một vụ kiện, tôi là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng do lo sợ nguyên đơn ảnh hưởng đến tôi nên tôi đã khai sai sự thật. Sau khi được lấy lời khai tôi đã ký vào biên bản. Nhưng giờ tôi muốn thay đổi lời khai của mình. Xin hỏi tôi có thể sửa chữa, bổ sung lời khai được không?

Nội dung chính

    Đương sự có được thay đổi lời khai trong quá trình giải quyết vụ án dân sự không?

    Căn cứ Khoản 2 Điều 210 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về trình tự phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải như sau:

    2. Khi kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, Thẩm phán công bố tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, hỏi đương sự về những vấn đề sau đây:

    a) Yêu cầu và phạm vi khởi kiện, việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập; những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết;

    b) Tài liệu, chứng cứ đã giao nộp cho Tòa án và việc gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác;

    c) Bổ sung tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa;

    d) Những vấn đề khác mà đương sự thấy cần thiết.

    Căn cứ Khoản 3 Điều 94 Bộ luật này quy định về nguồn chứng cứ như sau:

    Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:

    3. Lời khai của đương sự.

    Theo đó, tại phiên họp đương sự có quyền bổ sung tài liệu, chứng cứ, tức bao gồm lời khai của đương sự. Như vậy, bạn có thể bổ sung lời khai để thay đổi nội dung bạn đã khai trước đó.

    Lấy lời khai của đương sự như thế nào?

    Căn cứ Điều 98 Bộ luật trên quy định về lấy lời khai của đương sự như sau:

    1. Thẩm phán chỉ tiến hành lấy lời khai của đương sự khi đương sự chưa có bản khai hoặc nội dung bản khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Đương sự phải tự viết bản khai và ký tên của mình. Trường hợp đương sự không thể tự viết được thì Thẩm phán lấy lời khai của đương sự. Việc lấy lời khai của đương sự chỉ tập trung vào những tình tiết mà đương sự khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Thẩm phán tự mình hoặc Thư ký Tòa án ghi lại lời khai của đương sự vào biên bản. Thẩm phán lấy lời khai của đương sự tại trụ sở Tòa án; trường hợp cần thiết có thể lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở Tòa án.

    2. Biên bản ghi lời khai của đương sự phải được người khai tự đọc lại hay nghe đọc lại và ký tên hoặc điểm chỉ. Đương sự có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản ghi lời khai và ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận. Biên bản phải có chữ ký của người lấy lời khai, người ghi biên bản và đóng dấu của Tòa án; nếu biên bản được ghi thành nhiều trang rời nhau thì phải ký vào từng trang và đóng dấu giáp lai. Trường hợp biên bản ghi lời khai của đương sự được lập ngoài trụ sở Tòa án thì phải có người làm chứng hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi lập biên bản.

    3. Việc lấy lời khai của đương sự thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 69 của Bộ luật này phải được tiến hành với sự có mặt của người đại diện hợp pháp của đương sự đó.

    Trân trọng!

    500
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ