Đối tượng đang bị quản chế tại địa phương bỏ đi không lý do bị xử lý như thế nào?
Nội dung chính
Đối tượng đang bị quản chế tại địa phương bỏ đi không lý do bị xử lý như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 90 Luật thi hành án hình sự 2010, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án phạt quản chế về cư trú được quy định như sau:
1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án phạt quản chế về cư trú có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tiếp nhận người chấp hành án và hồ sơ thi hành án phạt quản chế; tổ chức kiểm soát, giáo dục người chấp hành án; tạo điều kiện để họ lao động, học tập bình thường tại nơi bị quản chế; nhận xét bằng văn bản và lưu hồ sơ theo dõi về quá trình chấp hành án;
b) Yêu cầu người chấp hành án phạt quản chế cam kết và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình; có biện pháp giáo dục, phòng ngừa khi người đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật; triệu tập người bị quản chế trong trường hợp cần thiết; cấp giấy phép cho người chấp hành án đi khỏi nơi bị quản chế theo quy định tại Điều 93 của Luật này;
c) Định kỳ 03 tháng một lần nhận xét quá trình chấp hành án gửi cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;
d) Lập hồ sơ đề nghị xem xét việc miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại cho người chấp hành án gửi cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;
đ) Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với người chấp hành án theo quy định của pháp luật;
e) Thực hiện thống kê, báo cáo cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền về kết quả thi hành án;
g) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án theo quy định của Luật này.
2. Trưởng Công an cấp xã có nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại khoản 1 Điều này.
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi em bạn chấp hành án phạt quản chế tại nơi cư trú có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với người chấp hành án theo quy định của pháp luật.
Theo đó, tại Điểm d Khoản 4 Điều 14 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
... d) Người bị án phạt quản chế không thực hiện nghĩa vụ của người chấp hành án theo quy định; không có mặt theo yêu cầu của cơ quan thi hành án hình sự, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản chế mà không có lý do chính đáng; đi khỏi nơi quản chế mà không được sự đồng ý của người có thẩm quyền hoặc đi khỏi nơi quản chế quá thời hạn cho phép mà không có lý do chính đáng...
Bên cạnh đó, mình xin cung cấp thêm nếu co việc quan trọng không thể không đi, mà đang bị quản chế tại địa phương thì theo Khoản 5 Điều 13 Nghị định 53/2001/NĐ-CP hướng dẫn thi hành các hình phạt cấm cư trú và quản chế, khi rời khỏi nơi quản chế, người bị quản chế có trách nhiệm:
- Thực hiện đúng các quy định ghi trong giấy phép;
- Trình diện với Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi mình đến và xuất trình giấy phép làm thủ tục đăng ký tạm trú theo quy định;
- Trở về địa phương nơi quản chế đúng thời hạn ghi trong giấy phép và trình diện với Uỷ ban nhân dân cấp xã.
Lưu ý: Người bị quản chế rời khỏi phạm vi xã, phường, thị trấn nơi quản chế mà không có giấy phép hoặc vi phạm các quy định ghi trong giấy phép nếu không có lý do chính đáng thì bị xử lý theo quy định của pháp luật và thời gian này không được tính vào thời hạn chấp hành hình phạt quản chế.
=> Em bạn vì ham chơi mà không thực hiện quyết định hành chính sau khi đã được giao nhận quyết định hành chính đó theo quy định của pháp luật, thì trước tiên sẽ bị xử phạt hành chính nên bạn hãy khuyên em bạn sớm trở về để tiếp tục chấp hành tốt.
Trên đây là nội dung tư vấn về xử lý đối tượng đang bị quản chế tại địa phương bỏ đi không lý do. Để hiểu rõ và chi tiết hơn vui lòng xem thêm tại Luật thi hành án hình sự 2010 và một số văn bản liên quan.