Dọa đẻ non và đẻ non được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Dọa đẻ non và đẻ non được quy định như thế nào?
Dọa đẻ non và đẻ non được quy định tại Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định 4128/QĐ-BYT năm 2016 như sau:
Đẻ non là khi trẻ sơ sinh được sinh ra còn sống từ khi đủ 22 tuần đến trước khi đủ 37 tuần thai kỳ. Dựa vào tuổi thai, đẻ non được chia nhóm như sau:
+ Cực non: tuổi thai dưới 28 tuần.
+ Rất non: tuổi thai từ 28-32 tuần.
+ Non trung bình: tuổi thai từ 32 đến dưới 37 tuần.
1. Dọa đẻ non.
1.1. Các yếu tố nguy cơ đẻ non.
- Từ mẹ:
+ Hở eo tử cung, cổ tử cung ngắn, tiền sử có khoét chóp cổ tử cung.
+ Tình trạng viêm nhiễm: viêm nhiễm âm đạo, viêm đường tiết niệu không triệu chứng, viêm nha chu.
+ Những bất thường tử cung: u xơ tử cung, dị dạng tử cung bẩm sinh.
+ Có tiền sử sinh non. Yếu tố di truyền (bản thân mẹ trước đây đã bị sinh non…)
- Từ con và phần phụ:
+ Đa thai
+ Thai sau thụ tinh trong ống nghiệm.
+ Nhiễm khuẩn ối, ối vỡ non.
+ Thai chậm tăng trưởng, thai có khuyết tật.
+ Rau tiền đạo, rau bong non.
+ Đa ối.
1.2. Chẩn đoán.
- Tuổi thai từ hết 22 đến hết 37 tuần.
- Có cơn co tử cung gây đau (ít nhất 2 cơn trong 1 tiếng).
- Có sự biến đổi cổ tử cung.
- Có thể có ra máu hay chất nhầy màu hồng.
1.3. Xử trí.
1.3.1.Tuyến xã.
- Nằm nghỉ tuyệt đối
- Tư vấn.
- Chuyển tuyến trên.
- Trong thời gian chờ đợi, dùng nifedipin tác dụng chậm 20mg, uống 1 viên, cứ 6 giờ đến 8 giờ một lần hoặc salbutamol viên 2mg, ngậm chia 2 cách nhau 4-6 tiếng.
1.3.2. Tuyến huyện, tuyến tỉnh.
- Nằm nghỉ tuyệt đối.
- Tư vấn.
- Dùng corticoid: chỉ định: 24-34 tuần. Nếu chưa sinh sau 7 ngày, nhắc lại 1 đợt nếu còn nguy cơ sinh non trong 7 ngày tới.
Liều sử dụng: Betamethasone 12mg tiêm bắp 2 lần, cách 24 giờ, hoặc Dexamethasone 6mg tiêm bắp 4 lần cách 12 giờ
- Thuốc giảm co tử cung:
+ Nifedipine (thuốc ức chế calci): liều tấn công 20mg uống mỗi 4-8 giờ cho đến khi hết co hoặc đủ 48 giờ. Điều chỉnh liều theo tần suất và cường độ các cơn co tử cung trong 48 giờ.
+ Salbutamol truyền tĩnh mạch: pha 5mg vào 500ml dung dịch glucose 5%. Không truyền salbutamol khi có chống chỉ định. Thuốc có rất nhiều tác dụng phụ cho mẹ và thai, cần cân nhắc kỹ khi sử dụng.
+ Atosiban (Tractocile): cho liều tấn công 6,75mg, tiêm tĩnh mạch chậm trong một phút, sau đó cho liều duy trì 18mg/giờ trong 3 giờ rồi duy trì 6mg/giờ trong 45 giờ. Tổng liều tối đa là 330mg.
+ Magnesi sulfat:
- Magnesi sulfat (MgSO4) giúp bảo vệ thần kinh đối với bào thai, trẻ sinh non, làm giảm tần suất bại não và tử vong do bại não.
- Chỉ định:
. Sử dụng MgSO4 cho sản phụ có nguy cơ sinh non trước 32 tuần tuổi để phòng ngừa bại não.
. Áp dụng cho cả đơn thai và đa thai.
. Chỉ nên cho nếu dự đoán sinh trong vòng 24 giờ
- Liều dùng: có 3 công thức
. Tiêm tĩnh mạch 4g trong 20 phút, sau đó duy trì 1g/giờ đến khi sinh hoặc đủ 24 giờ (tùy cái nào đến trước);
. Tiêm tĩnh mạch 4g trong 30 phút hoặc 4g bolus tĩnh mạch như liều duy nhất;
. Tiêm tĩnh mạch 6g trong 20-30 phút, sau đó duy trì 2g/giờ tĩnh mạch.
- Cần chú ý thử phản xạ gân xương (ở đầu gối hay ở cơ nhị đầu), xem lượng nước tiểu (ít nhất là 30ml/giờ), nhịp thở (16 lần trở lên) trước khi tiêm thuốc lần sau.
+ Progesteron: uống Dydrogesterone viên 10mg x 2 viên mỗi ngày hoặc đặt âm đạo Progesterone dạng mịn, liều 200mg mỗi ngày khi không có viêm nhiễm âm đạo hoặc ra máu âm đạo.
+ Kháng sinh: KHÔNG sử dụng kháng sinh thường quy trong dọa sinh non nếu chưa rỉ ối và không có dấu hiệu nhiễm trùng.
Chống chỉ định sử dụng thuốc giảm co tử cung:
+ Nhiễm trùng ối, nhiễm trùng huyết.
+ Chảy máu âm đạo lượng nhiều.
+ Rau bong non.
+ Tiền sản giật nặng, sản giật.
+ Dị ứng với thuốc giảm co tử cung.
- Lưu ý: Không điều trị dọa đẻ non cho thai từ 36 tuần trở lên.
1.4. Dự phòng
- Hướng dẫn thai phụ khám thai định kỳ theo lịch hẹn.
- Phát hiện, xử trí sớm các yếu tố nguy cơ từ mẹ:
+ Điều trị sớm tình trạng viêm nhiễm, hoặc từ trước khi mang thai nếu có thể;
+ Tìm nguyên nhân và điều trị nếu có tiền sử đẻ non;
+ Điều trị những bất thường trong tử cung: đo chiều dài cổ tử cung bằng siêu âm đường âm đạo vào thời điểm 16 tuần và 23 tuần tuổi thai, khi không có cơn co tử cung. Nếu cổ tử cung ngắn hơn 25mm: uống Dydrogesterone (Duphaston) 10mg 1 viên x 2 viên mỗi ngày đến khi thai được 36 tuần; hoặc đặt âm đạo Progesterone dạng mịn 100mg 1 viên x 2 lần mỗi ngày khi không có ra máu ra nước âm đạo và không có viêm nhiễm âm đạo. Nếu cổ tử cung ngắn hơn 20mm: khâu cổ tử cung.
+ Theo dõi các yếu tố di truyền (bản thân mẹ trước đây đã bị đẻ non…).
+ Cải thiện tình trạng dinh dưỡng, sinh hoạt, nghỉ ngơi.
+ Theo dõi, xử trí tốt chảy máu âm đạo trong thai kỳ.
- Phát hiện, theo dõi, xử trí sớm các yếu tố nguy cơ từ con, nếu được.
2. Đẻ non.
2.1. Chẩn đoán.
- Tuổi thai từ đủ 22 tuần đến trước khi đủ 37 tuần.
- Cơn co tử cung đều đặn, gây đau, sờ thấy được, kéo dài hơn 30 giây và xảy ra tối thiểu 4 lần mỗi 30 phút.
- Có sự thay đổi về vị trí, mật độ, chiều dài và/hoặc sự mở của cổ tử cung.
2.2. Xử trí.
Cần đảm bảo cho trẻ ít bị chấn thương nhất trong đẻ.
Tuyến xã:
- Tư vấn, chuyển tuyến trên càng sớm càng tốt. Chỉ thực hiện đỡ đẻ khi không thể chuyển đi được.
- Trường hợp đã đẻ ở xã:
+ Chăm sóc trẻ: xem phác đồ chăm sóc trẻ non tháng, nhẹ cân.
+ Chăm sóc mẹ: theo dõi chảy máu, kiểm soát tử cung nếu rau thiếu, tư vấn, chuyển tuyến nếu cần.
Tuyến huyện trở lên:
- Thông báo cho bác sĩ nhi khoa.
- Chuẩn bị phương tiện hồi sức, chăm sóc sơ sinh thiếu tháng.
Trân trọng!