Đinh tặc rải vật sắc nhọn trên đường sẽ bị xử phạt lên đến 37 triệu đồng theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP
Nội dung chính
Mức phạt lỗi đinh tặc rải vật sắc nhọn trên đường là bao nhiêu?
Căn cứ tại Điều 12 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định mức phạt lỗi đinh tặc rải vật sắc nhọn trên đường như sau:
Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe các hành vi vi phạm khác về quy tắc giao thông đường bộ; sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác
...
14. Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 37.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối người thi hành công vụ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
b) Rải vật sắc nhọn trên đường bộ.
15. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân thực hiện hành vi quy định tại khoản 14 Điều này nếu là người điều khiển phương tiện còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lát xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
...
Như vậy, theo quy định trên từ 2025 đinh tặc rải đinh vật sắc nhọn trên đường sẽ bị phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 37.000.000 đồng, mức phạt tăng gấp nhiều lần so với Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP phạt tiền từ phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
Ngoài ra, trường hợp đinh tặc rải vật sắc nhọn trên đường là người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 44 tháng.
Đinh tặc rải vật sắc nhọn lên đường sẽ bị xử phạt lên đến 37 triệu đồng theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP (Hình từ Internet)
Đinh tặc rải vật sắc nhọn trên đường có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Căn cứ tại Điều 261 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 73 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:
Tội cản trở giao thông đường bộ
1. Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tại đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Cản trở giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.
Như vậy, đinh tặc rải đinh vật sắc nhọn lên đường gây cản trở giao thông đường bộ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy vào mức độ nguy hiểm mà có thể phạt tù lên đến 03 năm.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông là bao lâu?
Căn cứ tại Điều 4 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện cụ thể như sau:
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 01 năm.
2. Thời hạn sử dụng kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để xác định cá nhân, tổ chức vi phạm được tính từ thời điểm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật của cá nhân, tổ chức ghi nhận được kết quả cho đến hết ngày cuối cùng của thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
3. Hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện
a) Việc xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
b) Đối với các hành vi vi phạm được phát hiện thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp: thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm được tính từ thời điểm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật ghi nhận hành vi vi phạm.
Như vậy, theo quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 01 năm.