13:52 - 08/01/2025

Mẫu viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về người thân môn Ngữ văn lớp 7 ngắn gọn? Các kiểu văn bản nào mà học sinh lớp 7 sẽ được học?

Học sinh tham khảo các mẫu viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về người thân ngắn gọn? Học sinh lớp 7 sẽ được học các kiểu văn bản nào ở môn Ngữ văn?

Nội dung chính


    Mẫu viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về người thân môn Ngữ văn lớp 7 ngắn gọn?

    Dưới đây là các mẫu viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về người thân môn Ngữ văn lớp 7 mà các bạn học sinh có thể tham khảo:

    Mẫu viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về người thân - Cảm nghĩ về mẹ

    Trên thế gian này, mẹ chính là người phụ nữ quan trọng nhất của con. Từ khi con sinh ra, tuy phải chịu bao nhiêu cơn đau về thể xác nhưng mẹ vẫn nở nụ cười thật dịu dàng cùng đôi bàn tay ấm áp ôm con vào lòng. Đối với con, mẹ giống như một thiên thần tốt bụng luôn chăm sóc, bảo vệ và che chở cho con trước mọi khó khăn của cuộc đời. Dường như da mặt của mẹ đã đen sạm đi, hốc hác hơn trước. Mái tóc mẹ vàng hoe vì những chuỗi ngày dài lam lũ cơ cực mẹ phải làm việc dưới trời nắng. Đôi mắt của mẹ thật hiền từ, chất chứa bao yêu thương, luôn tiếp cho con niềm tin vào cuộc sống ngày mai. Con yêu nhất đôi bàn tay mẹ, đôi bàn tay đã tần tảo không ngại nắng mưa nuôi dưỡng con đến ngày hôm nay. Vậy mà, con chẳng thể làm gì để báo đáp công lao trời bể của mẹ. Con không thể cho mẹ một giấc ngủ bình yên như mẹ đã cho, không thể cho mẹ một cuộc sống an nhàn hay một niềm vui bé nhỏ nhưng mẹ vẫn luôn yêu thương con, an ủi con, động viên con và luôn đồng hành cùng con trong từng bước chân của cuộc đời. Con chỉ muốn nói với mẹ rằng "Con yêu mẹ!"

    Mẫu viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về người thân - Cảm nghĩ về bà nội

    Nếu có ai hỏi tôi rằng một trong những người mà tôi yêu thương nhất là ai thì tôi sẽ trả lời rằng đó là bà nội .Bà tôi là người nhân hậu và hiền từ nhưng gần như suốt cuộc đời của bà chỉ là những khó khăn và bệnh tật. Tôi thương bà lắm! Tôi thương cái mái tóc xoăn xoăn điểm bạc của bà, thương cái dáng đi chầm chậm mà khập khiễng của bà. Bảy mươi tuổi mà tôi trông bà có vẻ già hơn so với người cùng tuổi. Tôi còn biết có lúc đi ra chợ bà nhìn thấy một người ăn xin nghèo khổ thì không bao giờ bà quay lưng lơ đi mà bà sẵn sàng rút ra một tờ tiền trong ví của mình, gấp gọn làm đôi rồi bỏ vào nón của người ăn xin đó. Tôi thật cảm phục trước tấm lòng yêu thương vô hạn và trái tim rộng mở của bà luôn rộng mở đối với bất kì ai!

    Mẫu viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về người thân - Cảm nghĩ về ông nội

    Trong tâm trí tôi từ thuở thơ bé, ông nội tôi là người có ảnh hưởng vô cùng sâu sắc đến mấy đứa nhỏ như chúng tôi. Ông là một người thích sưu tầm, nghiên cứu và kiên trì. Với tính cách ấy, ông đã có ảnh hưởng lớn đến tôi, truyền cho tôi đam mê khám phá văn hóa và lịch sử, đưa tôi đến với thế giới khoa học rộng lớn và biết nỗ lực hơn trong học tập, rèn luyện. Từ đó, tôi trưởng thành hơn, hiểu chuyện và sống có lý tưởng, biết phấn đấu hơn. Trái ngược với vẻ bề ngoài cương nghị, ông tôi là người có tấm lòng nhân ái và cũng rất hài hước. Trong mắt một đứa nhỏ như tôi, ông nội luôn biết tìm kiếm giải pháp với suy nghĩ lạc quan, tích cực trước những vấn đề khó. Tinh thần yêu đời, trẻ trung của ông là nguồn động viên cho mọi thành viên trong gia đình. Với tôi, ông chính là người thân quan trọng nhất, là nơi bình yên để tôi được học hỏi mỗi ngày. Có ông, tôi đã có thêm nhận thức về ý nghĩa và giá trị của tình yêu thương, sự đoàn kết trong gia đình.

    Mẫu viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về người thân - Cảm nghĩ về anh trai

    Anh trai của tôi là một hình mẫu sống mà tôi luôn hướng đên. Anh không chỉ là anh trai ruột của tôi, mà còn là người bạn đồng hành, người bạn đáng tin cậy trong mọi tình huống. Sự tận tâm, nghiêm khắc và hỗ trợ của anh đã là điểm tựa vững chắc giúp tôi vượt qua những tình huống khó khăn trong học tập, cuộc sống. Anh tôi hơn tôi 9 tuổi và hiện đang học đại học. Anh không chỉ học giỏi, biết tận dụng thời gian làm thêm phụ giúp gia đình, mà còn là một người có tâm hồn luôn lạc quan và tràn đầy năng lượng tích cực. Mỗi lần anh về thăm nhà, bằng những lời khuyên, sự chỉ bảo của anh mà tôi như được truyền thêm động lực và niềm tin tích cực. Tôi tự dặn lòng mình rằng, phải càng thêm nỗ lực học tập và rèn luyện để không phụ sự kỳ vọng của bố mẹ và anh trai của tôi. Bữa cơm gia đình ngày hôm nay của nhà tôi trở nên vui vẻ, ấm cúng hơn vì anh về thăm nhà. Anh tôi không chỉ là người thân, người bạn đồng hành cùng tôi trên con đường tương lai, mà còn mang lại cho tôi niềm tin, sống có lý tưởng và ước mơ. Tôi cảm thấy may mắn vô cùng vì có một người thân như anh trong cuộc sống của mình.

    Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo!

    Mẫu viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về người thân môn Ngữ văn lớp 7 ngắn gọn?

    Mẫu viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về người thân môn Ngữ văn lớp 7 ngắn gọn? (Hình ảnh từ Internet)

    Các kiểu văn bản nào mà học sinh lớp 7 sẽ được học trong môn Ngữ văn?

    Căn cứ Mục 5 Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT quy định học sinh lớp 7 sẽ được học bao gồm 04 loại văn bản như sau:

    - Văn bản tự sự: bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật và sự kiện lịch sử.

    - Văn bản biểu cảm: bài văn biểu cảm; thơ bốn chữ, năm chữ; đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn, năm chữ.

    - Văn bản nghị luận: mối quan hệ giữa ý kiến, lí lẽ, bằng chứng; bài nghị luận về một vấn đề trong đời sống; bài phân tích một tác phẩm văn học.

    - Văn bản thông tin: Cước chú và tài liệu tham khảo; bài thuyết minh dùng để giải thích một quy tắc hay luật lệ trong một trò chơi hay hoạt động; văn bản tường trình; văn bản tóm tắt với độ dài khác nhau.

    Khi nào thì học sinh lớp 7 phải rèn luyện trong kì nghỉ hè?

    Căn cứ theo Điều 13 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT có quy định như sau:

    Rèn luyện trong kì nghỉ hè
    1. Học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Chưa đạt thì phải rèn luyện trong kì nghỉ hè.
    2. Hình thức rèn luyện trong kì nghỉ hè do Hiệu trưởng quy định.
    3. Căn cứ vào hình thức rèn luyện trong kì nghỉ hè, giáo viên chủ nhiệm giao nhiệm vụ rèn luyện trong kì nghỉ hè cho học sinh và thông báo đến cha mẹ học sinh. Cuối kì nghỉ hè, nếu nhiệm vụ rèn luyện được giáo viên chủ nhiệm đánh giá đã hoàn thành (có báo cáo về quá trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ rèn luyện có chữ kí xác nhận của cha mẹ học sinh) thì giáo viên chủ nhiệm đề nghị Hiệu trưởng cho đánh giá lại kết quả rèn luyện cả năm học của học sinh. Kết quả đánh giá lại được sử dụng thay thế cho kết quả rèn luyện cả năm học để xét lên lớp theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.

    Như vậy, học sinh lớp 7 phải rèn luyện trong kì nghỉ hè khi có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Chưa đạt.

    66