16:41 - 13/11/2024

Điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke trong khách sạn 2 sao

Điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke trong khách sạn 2 sao. Có một cơ sở hiện đã lắp đặt và khai thác dịch vụ Karaoke nhưng không phải xin giấy phép kinh doanh Karaoke (do nằm trong khách sạn 2 sao đã có quyết định công nhận hạng sao). Tuy nhiện Khoảng cách từ Khách sạn đến cổng cơ quan quản lý hành chính nhà nước lại không đủ 200m. Như vậy: - Cơ sở này có được hoạt động khai thác dịch vụ không? - Nếu không được phép hoạt động thì phương án xử lý như nào? Phạt tiền hay buộc dừng hoạt động? nếu buộc dừng hoạt động thì căn cứ vào văn bản nào? (Vì trong nghị định 158/2013/NĐ-CP không quy định đình chỉ hoạt động hoặc buộc dừng hoạt động đối với các hành vi không đủ điều kiện). Nếu có văn bản đình chỉ hoặc buộc dừng hoạt động mà họ vẫn tiếp tục hoạt động thì xử lý thế nào?

Nội dung chính

    Điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke trong khách sạn 2 sao

    Điều 12 Thông tư 04/2009/TT-BVHTTDL quy định về Điều kiện kinh doanh và hoạt động kinh doanh karaoke như sau:

    1. Cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng sao hoặc hạng cao cấp khi kinh doanh karaoke không phải xin giấy phép kinh doanh theo quy định tại khoản 3 Điều 66 của Luật Du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005 nhưng phải có đủ điều kiện quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 30 Quy chế; 

    2. Cửa phòng karaoke quy định tại khoản 2 Điều 30 Quy chế phải là cửa kính không màu; nếu có khung thì không được quá hai khung dọc và ba khung ngang; diện tích khung không quá 15% diện tích cửa. 

    3. Khoảng cách từ 200 m trở lên quy định tại khoản 4 Điều 30 Quy chế áp dụng như quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này; 

    4. Địa điểm kinh doanh karaoke trong khu dân cư phải được sự đồng ý bằng văn bản của các hộ liền kề quy định tại khoản 5 Điều 30 Quy chế được thực hiện như sau: 

    a) Hộ liền kề là hộ có tường nhà ở liền kề với tường phòng hát karaoke hoặc đất liền kề mà tường nhà ở cách tường phòng hát karaoke dưới 5m; 

    b) Hộ liền kề có quyền đồng ý cho người kinh doanh karaoke trong trường hợp hộ liền kề đã ở từ trước, người kinh doanh xin Giấy phép kinh doanh sau. 

    Trường hợp người kinh doanh đã được cấp Giấy phép kinh doanh trước, hộ liền kề xây dựng nhà ở sau hoặc được quyền đến ở sau khi người kinh doanh đã được cấp Giấy phép kinh doanh thì hộ liền kề không có quyền quy định tại khoản 5 Điều 30 Quy chế; 

    c) Văn bản đồng ý của hộ liền kề phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn sở tại, do người xin Giấy phép kinh doanh nộp trong hồ sơ xin cấp giấy phép và có giá trị trong suốt thời hạn người kinh doanh được quyền kinh doanh quy định trong giấy phép; 

    d) Trường hợp hộ liền kề không có văn bản đồng ý nhưng cũng không phản đối thì được coi là không có ý kiến và phải có văn bản xác định hộ liền kề không có ý kiến. Văn bản xác định hộ liền kề không có ý kiến được hiểu là hộ liền kề không sử dụng quyền quy định tại khoản 5 Điều 30 Quy chế. 

    5. Âm thanh vang ra ngoài phòng karaoke không vượt quá quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn mức ồn tối đa cho phép quy định tại khoản 2 Điều 32 Quy chế được đo tại phía ngoài cửa sổ và cửa ra vào phòng karaoke. 

    6. Nhà hàng karaoke có nhiều phòng thì phải đánh số thứ tự hoặc đặt tên cho từng phòng. 

    7. Cơ sở kinh doanh dịch vụ tổ chức hoạt động karaoke tại nơi kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của nhân viên thuộc cơ sở mình quy định tại khoản 2 Điều 33 Quy chế, phải riêng biệt với khu vực kinh doanh và không được để cho khách vào hát karaoke tại nơi dành cho nhân viên thuộc cơ sở mình. 

    Cơ sở kinh doanh dịch vụ tổ chức hoạt động karaoke tại nơi kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của khách dù không thu riêng tiền dịch vụ karaoke mà chỉ thu tiền ăn, uống hoặc dịch vụ khác tại phòng hát karaoke cũng phải có đủ điều kiện kinh doanh karaoke quy định tại Điều 30 và phải được cấp giấy phép theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Quy chế.

    Cụ thể tại Khoản 4 Điều 30 Quy chế hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng kèm theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP quy định: "Địa điểm hoạt động karaoke phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa, cơ quan hành chính nhà nước từ 200m trở lên;"

    Theo đó, cơ sở kinh doanh lưu trú là khách sạn 2 sao đã được cấp quyết định công nhận khi kinh doanh ngành nghề karaoke không cần xin giấy phép nhưng vẫn phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 30 Quy chế trong đó có điều kiện về khoảng cách 200m trở lên với trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa, cơ quan hành chính nhà nước. Trong trường hợp này, cơ sở không đảm bảo được khoảng cách 200m không được thực hiện kinh doanh karaoke.

    Theo quy định tại Điều 55 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, khi phát hiện ra hành vi vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có quyền ra quyết định buộc chấm dứt hành vi vi phạm. Cụ thể ở trường hợp bạn đang hỏi, cơ sở lưu trú khách sạn 2 sao phải chấm dứt hành vi kinh doanh karaoke không đủ điều kiện khi có quyết định của người hoặc cơ quan có thẩm quyền. Nếu vẫn tiếp tục thực hiện kinh doanh sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của khoản 3 Điều 6 Nghị định 185/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP như sau: "4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh trong thời gian bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh."

    288
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ