Điển tích là gì? Điển cố là gì? Đặc điểm và tác dụng của điển tích điển cố?
Nội dung chính
Điển tích là gì? Điển cố là gì? Đặc điểm và tác dụng của điển tích điển cố?
Điển tích điển cố là những yếu tố văn học mang đậm màu sắc cổ điển, được trích dẫn từ những câu chuyện, sự kiện lịch sử, văn thơ, hoặc nhân vật nổi tiếng trong quá khứ.
- Điển tích là câu chuyện trong sách xưa, được dẫn lại một cách cô đúc trong văn bản của các tác giả đời sau.
- Điển cố là sự việc hay câu chữ trong sách xưa, được dẫn lại trong văn bản của các tác giả đời sau.
- Những tích truyện, kinh sách, từ ngữ, lời thơ... khi đã thành điển tích, điển cố đều được xem là mẫu mực, giàu ý nghĩa, cho nên các tác giả thường sử dụng để gia tăng tính hàm súc, uyên bác, gợi liên tưởng phong phú cho người đọc.
Điển tích, điển cố có quá trình hình thành và phát triển lâu dài, gắn với văn hoá, văn học của thời xa xưa. Do đó, để hiểu được ý nghĩa của điển tích, điển cố trong tác phẩm, người đọc cần tìm hiểu qua chú giải hoặc tra cứu tài liệu có liên quan.
Lưu ý: Điển tích, điển cố là hai khái niệm gần gũi nhau, sự phân biệt chỉ có tính tương đối. Vì thế, nhiều lúc điển tích, điển cố được gọi chung là điển.
Đặc điểm của điển tích điển cố:
Nguồn gốc: Xuất phát từ các tác phẩm văn học, lịch sử, dân gian có giá trị.
Tính cô đọng: Mang trong mình ý nghĩa sâu sắc, hàm súc, cô đọng.
Tính đa nghĩa: Có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau tùy thuộc vào ngữ cảnh.
Tính gợi hình: Tạo ra những hình ảnh, liên tưởng sinh động, gợi cảm.
Tính truyền thống: Là một phần di sản văn hóa của dân tộc.
Tác dụng của điển tích điển cố:
- Làm phong phú ngôn ngữ: Tạo ra sự đa dạng và phong phú cho cách diễn đạt.
- Tăng sức gợi hình, gợi cảm: Giúp người đọc hình dung rõ nét hơn về sự vật, hiện tượng được miêu tả.
- Tăng sức biểu cảm: Thể hiện rõ nét tình cảm, cảm xúc của người viết.
- Nâng cao giá trị thẩm mỹ của văn bản: Làm cho văn bản trở nên uyên bác, sang trọng hơn.
- Tạo ra sự liên kết giữa quá khứ và hiện tại: Giúp người đọc hiểu sâu hơn về văn hóa, lịch sử dân tộc.
Ví dụ bài tập: Đọc lại các chú thích ở chân trang của văn bản Chuyện người con gái Nam Xương và cho biết những trường hợp sử dụng điển tích, điển cố. Nếu sách giáo khoa không giải thích, em có hiểu được ý nghĩa của các câu văn có sử dụng điển tích, điển cố đó không? Vì sao?
- Trường hợp sử dụng điển tích, điển cố là:
+ Trước khi Mị Nương gieo mình xuống sông Hoàng Giang: Ngọc Mị Nương, Cổ Ngu mĩ
+ Khi Phan Lang nói chuyện và khuyên Mị Nương trở về trần gian: Tào nga, Ngựa Hổ gầm gió bắc, chim Việt đậu cành nam.
- Nếu không có sách giáo khoa, em sẽ không hiểu được ý nghĩa của các câu văn có sử dụng điển tích, điển cố. Vì đây là những câu chuyện dân gian có từ xa xưa.
Lưu ý: các nội dung trên mang tính chất tham khảo.
Điển tích là gì? Điển cố là gì? Đặc điểm và tác dụng của điển tích điển cố? (Hình từ Internet)
Tổng hợp kiến thức Tiếng Việt môn Ngữ văn của học sinh lớp 9 gồm những gì?
Kiến thức Tiếng Việt môn Ngữ văn của học sinh lớp 9 tại tiểu mục 2 Mục 5 Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT như sau:
- Sự khác biệt về nghĩa của một số yếu tố Hán Việt dễ gây nhầm lẫn (ví dụ: đồng trong đồng dao, đồng âm, đồng minh; minh trong thanh minh, minh oan, u minh)
- Điển tích, điển cố (ví dụ: Ngưu Lang - Chức Nữ, Tái ông thất mã): đặc điểm và tác dụng
- Nghĩa và cách dùng tên viết tắt các tổ chức quốc tế quan trọng ( như: UN, UNESCO, UNICEF, WHO, WB, IMF, ASEAN, WTO,...)
- Biến đổi và mở rộng cấu trúc câu (thay đổi trật tự các thành phần trong câu, thêm thành phần phụ,...): đặc điểm và tác dụng
- Lựa chọn câu đơn - câu ghép, các kiểu câu ghép, các kết từ để nối các vế câu ghép
- Câu rút gọn và câu đặc biệt: đặc điểm và chức năng
- Biện pháp tu từ chơi chữ, điệp thanh và điệp vần: đặc điểm và tác dụng
- Sự khác nhau giữa cách dẫn trực tiếp và cách dẫn gián tiếp; cách dùng dấu câu khi dẫn trực tiếp và gián tiếp
- Kiểu văn bản và thể loại
+ Văn bản tự sự: truyện kể, mô phỏng một truyện đã đọc; truyện kể chuyển nội dung từ một truyện tranh
+ Văn bản biểu cảm: thơ tám chữ; đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ
+ Văn bản nghị luận: vai trò của luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong việc thể hiện nội dung văn bản nghị luận; bài nghị luận nêu vấn đề và giải pháp; bài phân tích một tác phẩm văn học
+ Văn bản thông tin: cách trình bày các ý tưởng và thông tin trong văn bản; hiệu quả biểu đạt của phương tiện phi ngôn ngữ trong văn bản thông tin; văn bản giải thích một hiện tượng xã hội; văn bản thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay một di tích lịch sử; quảng cáo, tờ rơi
- Một số lưu ý về tham khảo, trích dẫn tài liệu để tránh đạo văn
- Sự phát triển của ngôn ngữ: từ ngữ mới và nghĩa mới
- Một số hiểu biết sơ giản về chữ viết tiếng Việt: chữ Nôm và chữ Quốc ngữ
- Phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ: hình ảnh, số liệu, biểu đồ,...
Ngữ liệu môn Ngữ văn của học sinh lớp 9 gồm những gì?
Căn cứ tiểu mục 2 Mục 5 Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, ngữ liệu môn Ngữ văn 9 gồm:
(1) Văn bản văn học
- Truyện truyền kì, truyện trinh thám
- Thơ song thất lục bát, truyện thơ Nôm, thơ tám chữ
- Bi kịch
(2) Văn bản nghị luận
- Nghị luận xã hội
- Nghị luận văn học
(3) Văn bản thông tin
- Văn bản giới thiệu một danh lam thắng cảnh hoặc một di tích lịch sử
- Bài phỏng vấn