Di sản thiên nhiên bao gồm những gì? Những nội dung nào được sử dụng để thẩm định dự án xác lập di sản thiên nhiên?
Nội dung chính
Di sản thiên nhiên bao gồm những gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định di sản thiên nhiên bao gồm:
(1) Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan được xác lập theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản; danh lam thắng cảnh được công nhận là di sản văn hóa được xác lập theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;
(2) Di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận;
(3) Di sản thiên nhiên khác được xác lập, công nhận theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Như vậy, di sản thiên nhiên bao gồm cả các khu vực được bảo vệ trong nước và các khu vực được công nhận quốc tế, cùng các hình thức di sản khác đáp ứng các quy định pháp lý.
Di sản thiên nhiên bao gồm những gì? (Hình từ internet)
Những nội dung nào được sử dụng để thẩm định dự án xác lập di sản thiên nhiên?
Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 19 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Tiêu chí, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xác lập, công nhận di sản thiên nhiên khác quy định tại Luật Bảo vệ môi trường
...
6. Hồ sơ và nội dung thẩm định dự án xác lập di sản thiên nhiên khác
a) Hồ sơ thẩm định dự án xác lập di sản thiên nhiên bao gồm: báo cáo dự án xác lập di sản thiên nhiên; văn bản góp ý của các cơ quan có liên quan đối với dự án xác lập di sản thiên nhiên; văn bản đề nghị thẩm định dự án xác lập di sản thiên nhiên;
b) Nội dung thẩm định dự án xác lập di sản thiên nhiên bao gồm: mức độ đáp ứng các tiêu chí xác lập di sản thiên nhiên; vị trí địa lý, ranh giới và diện tích di sản thiên nhiên, các phân vùng quản lý di sản thiên nhiên; mục tiêu quản lý di sản thiên nhiên; nội dung quản lý và kế hoạch bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; mô hình tổ chức quản lý; nguồn lực quản lý và tổ chức thực hiện quản lý di sản thiên nhiên.
...
Theo quy định trên thì việc thẩm định dự án xác lập di sản thiên nhiên được thực hiện dựa trên những nội dung sau:
- Mức độ đáp ứng các tiêu chí xác lập di sản thiên nhiên;
- Vị trí địa lý, ranh giới và diện tích di sản thiên nhiên, các phân vùng quản lý di sản thiên nhiên;
- Mục tiêu quản lý di sản thiên nhiên;
- Nội dung quản lý và kế hoạch bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên;
- Mô hình tổ chức quản lý;
- Nguồn lực quản lý và tổ chức thực hiện quản lý di sản thiên nhiên.
Để được công nhận là di sản thiên nhiên, nơi đó phải có vẻ đẹp hiếm gặp của thiên nhiên đúng không?
Căn cứ khoản 2 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về di sản thiên nhiên như sau:
Di sản thiên nhiên
...
2. Việc xác lập, công nhận di sản thiên nhiên thuộc điểm c khoản 1 Điều này căn cứ vào một trong các tiêu chí sau đây:
a) Có vẻ đẹp nổi bật, độc đáo hoặc hiếm gặp của thiên nhiên;
b) Có giá trị điển hình về quá trình tiến hóa sinh thái, sinh học hoặc nơi cư trú tự nhiên của loài nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu hoặc chứa đựng các hệ sinh thái đặc thù, đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên hoặc có giá trị đa dạng sinh học đặc biệt khác cần bảo tồn;
c) Có đặc điểm nổi bật, độc đáo về địa chất, địa mạo hoặc chứa đựng dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của Trái Đất;
d) Có tầm quan trọng đặc biệt trong việc điều hòa khí hậu, bảo vệ nguồn nước, giữ cân bằng sinh thái, cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên.
...
Theo đó, vẻ đẹp hiếm gặp của thiên nhiên chỉ là một trong những tiêu chí để xác lập và công nhận di sản thiên nhiên. Trường hợp nơi đó không có vẻ đẹp đặc biệt nhưng có một trong các tiêu chí còn lại thì vẫn có thể được xác lập, công nhận di sản thiên nhiên theo quy định của pháp luật như:
- Có vẻ đẹp nổi bật, độc đáo của thiên nhiên;
- Có giá trị điển hình về quá trình tiến hóa sinh thái, sinh học hoặc nơi cư trú tự nhiên của loài nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu hoặc chứa đựng các hệ sinh thái đặc thù, đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên hoặc có giá trị đa dạng sinh học đặc biệt khác cần bảo tồn;
- Có đặc điểm nổi bật, độc đáo về địa chất, địa mạo hoặc chứa đựng dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của Trái Đất;
- Có tầm quan trọng đặc biệt trong việc điều hòa khí hậu, bảo vệ nguồn nước, giữ cân bằng sinh thái, cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên.