Để thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật cần đáp ứng những điều kiện nào? Hồ sơ đăng ký hoạt động Trung tâm tư vấn pháp luật bao gồm những giấy tờ gì?
Nội dung chính
Để thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật cần đáp ứng những điều kiện nào?
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 77/2008/NĐ-CP quy định về điều kiện thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật như sau:
Điều kiện thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật
1. Có ít nhất hai tư vấn viên pháp luật hoặc tư vấn viên pháp luật và một luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hai luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động.
2. Có trụ sở làm việc của Trung tâm.
Như vậy, để thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật cần đáp ứng những điều kiện nêu trên
Bên cạnh đó, căn cứ quy định tại Điều 12 Nghị định 77/2008/NĐ-CP về thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật như sau:
(1) Tổ chức chủ quản ra Quyết định thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật Quyết định thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật do người đứng đầu tổ chức chủ quản ký và có nội dung chính sau đây:
- Tên gọi của Trung tâm tư vấn pháp luật;
- Mục đích, nhiệm vụ của Trung tâm tư vấn pháp luật;
- Lĩnh vực hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật.
(2) Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp cấp trung ương, cấp ngành được thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật trong phạm vi cả nước.
Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện được thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật trong phạm vi địa phương mình.
Cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành được thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi đặt trụ sở của cơ sở đó.
(3) Tên gọi của Trung tâm tư vấn pháp luật phải bao gồm cụm từ “Trung tâm tư vấn pháp luật” và thể hiện được tên của tổ chức chủ quản. Trong trường hợp một tổ chức chủ quản thành lập từ hai Trung tâm tư vấn pháp luật trở lên, thì tên gọi của các Trung tâm này phải có sự phân biệt với nhau.
Để thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật cần đáp ứng những điều kiện nào? Hồ sơ đăng ký hoạt động Trung tâm tư vấn pháp luật bao gồm những giấy tờ gì? (Hình từ Internet)
Hồ sơ đăng ký hoạt động Trung tâm tư vấn pháp luật bao gồm những giấy tờ gì?
Theo Điều 13 Nghị định 77/2008/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 4 Nghị định 05/2012/NĐ-CP) quy định về đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật như sau:
Đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật
1. Trung tâm tư vấn pháp luật đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp, nơi đặt trụ sở của Trung tâm. Khi đăng ký hoạt động, Trung tâm tư vấn pháp luật gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp.
Hồ sơ đăng ký hoạt động gồm có:
a) Đơn đăng ký hoạt động;
b) Quyết định của tổ chức chủ quản về việc thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật; về việc cử Giám đốc của Trung tâm tư vấn pháp luật;
c) Dự thảo quy chế tổ chức, hoạt động của Trung tâm tư vấn do tổ chức chủ quản ban hành;
d) Danh sách kèm theo hồ sơ của người được đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật, của luật sư làm việc theo hợp đồng lao động cho Trung tâm.
Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Trung tâm tư vấn pháp luật; trong trường hợp từ chối, phải thông báo lý do bằng văn bản.
2. Khi cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Trung tâm tư vấn pháp luật, Sở Tư pháp đồng thời cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật cho người đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 19 của Nghị định này.
Bộ Tư pháp quy định mẫu Giấy đăng ký hoạt động, Thẻ tư vấn viên pháp luật.
3. Trung tâm tư vấn pháp luật được hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động.
Như vậy, hồ sơ đăng ký hoạt động của trung tâm tư vấn pháp luật gồm có:
- Đơn đăng ký hoạt động;
- Quyết định của tổ chức chủ quản về việc thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật; về việc cử Giám đốc của Trung tâm tư vấn pháp luật;
- Dự thảo quy chế tổ chức, hoạt động của Trung tâm tư vấn do tổ chức chủ quản ban hành;
- Danh sách kèm theo hồ sơ của người được đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật, của luật sư làm việc theo hợp đồng lao động cho Trung tâm.
Trung tâm tư vấn pháp luật có những quyền và nghĩa vụ nào?
Căn cứ Điều 8 Nghị định 77/2008/NĐ-CP quy định về quyền, nghĩa vụ của Trung tâm tư vấn pháp luật
- Trung tâm tư vấn pháp luật có các quyền sau đây:
+ Thực hiện vụ việc theo phạm vi quy định tại Điều 7 của Nghị định này;
+ Đề nghị cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin về những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật;
+ Kiến nghị với cơ quan nhà nước về những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật.
- Trung tâm tư vấn pháp luật có các nghĩa vụ sau đây:
+ Tuân theo quy định của Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan của pháp luật về luật sư, trợ giúp pháp lý;
+ Chịu trách nhiệm về việc sử dụng tư vấn viên pháp luật, luật sư, cộng tác viên tư vấn pháp luật của Trung tâm;
+ Báo cáo Sở tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Sở Tư pháp), nơi đặt trụ sở của Trung tâm, báo cáo tổ chức chủ quản về tổ chức và hoạt động của Trung tâm theo định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu trong trường hợp đột xuất;
+ Bồi thường thiệt hại do lỗi của tư vấn viên pháp luật, luật sư, cộng tác viên tư vấn pháp luật của Trung tâm gây ra trong khi thực hiện tư vấn pháp luật.