Thứ 5, Ngày 07/11/2024
09:27 - 07/11/2024

Đảng viên phát ngôn gây sốc trên mạng xã hội có bị khai trừ ra khỏi Đảng không?

Đảng viên phát ngôn gây sốc trên mạng xã hội có bị khai trừ ra khỏi Đảng không? Đảng viên dự bị có quyền biểu quyết cơ quan lãnh đạo của Đảng không? Đảng viên có những nhiệm vụ gì?

Nội dung chính

    Đảng viên phát ngôn gây sốc trên mạng xã hội có bị khai trừ ra khỏi Đảng không?

    Tại Điều 28 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 quy định vi phạm quy định tuyên truyền, phát ngôn như sau:

    1. Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

    a) Tuyên truyền, sao chép, tán phát, cung cấp thông tin, tài liệu, hiện vật có nội dung xấu.

    b) Tự ý phát ngôn, cung cấp thông tin, tài liệu cho báo chí và các cơ quan, tổ chức truyền thông khác, vi phạm Luật báo chí, Luật xuất bản và những quy định khác của Đảng, Nhà nước về phát ngôn, cung cấp thông tin, tài liệu, tuyên truyền, xuất bản.

    c) Phát ngôn, cung cấp thông tin, tài liệu, văn bản, đề án, dự án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép phổ biến.

    d) Viết bài, duyệt đăng bài, sao chép, tán phát bài viết, thông tin không chính xác.

    đ) Không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật.

    e) Lợi dụng quyền bảo lưu ý kiến, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, phản biện xã hội để viết bài, trả lời phỏng vấn hoặc sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội và các hội, nhóm, câu lạc bộ, diễn đàn để truyền bá quan điểm trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

    2. Trường hợp đã bị kỷ luật theo Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):

    a) Phát ngôn trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; loan truyền thông tin không đúng sự thật.

    b) Cung cấp thông tin, tài liệu cho tổ chức, cá nhân về vấn đề thuộc bí mật của Đảng, Nhà nước, tổ chức, cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Cung cấp thông tin chưa được phép công khai, sai sự thật, không trung thực cho báo chí và các cơ quan, tổ chức truyền thông khác. Cung cấp thông tin, tài liệu cho người khác để nói, viết, đăng tin, bài sai sự thật trên phương tiện truyền thông, mạng xã hội nhằm xuyên tạc, hạ thấp uy tín của tập thể, cá nhân.

    c) Cung cấp thông tin, tài liệu cho báo chí về vụ án, vụ việc đang trong quá trình điều tra chưa được phép công bố hoặc chưa xét xử. Cung cấp, đăng tải thông tin, tài liệu chi tiết đang phục vụ kết luận vụ việc; những vụ việc đang trong giai đoạn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án chưa có kết luận hoặc chưa được phép công bố theo quy định.

    đ) Cung cấp thông tin, tài liệu gây nguy hại lợi ích của Đảng, Nhà nước, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và trật tự, an toàn xã hội.

    đ) Tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức nhằm truyền bá quan điểm trái chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

    e) Trả lời phỏng vấn, cho đăng tải tài liệu, tin, bài trên phương tiện truyền thông, mạng xã hội có nội dung sai sự thật, mang tính kích động, gây hoang mang hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử.

    g) Lợi dụng việc phát ngôn, chất vấn, trả lời chất vấn, việc phản ảnh, kiến nghị, góp ý dự thảo văn bản của Đảng, Nhà nước, thư ngỏ, hồi ký để đưa ra quan điểm, thông tin gây tổn hại uy tín của Đảng, Nhà nước hoặc đả kích, vu cáo, xúc phạm, nhận xét, đánh giá tùy tiện có dụng ý xấu đối với tổ chức, cá nhân.

    h) Lợi dụng, sử dụng các diễn đàn, các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội, trang tin cá nhân hoặc nhóm để bôi nhọ danh dự của tổ chức, cá nhân; nói sai sự thật; ủng hộ thế lực thù địch kích động, chống phá Đảng, Nhà nước.

    i) Sáng tác, sản xuất, tàng trữ, tán phát tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật không lành mạnh, trái thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam, mang tính kích động gây ảnh hưởng xấu trong xã hội; tán phát bài viết, bài nói, bài phỏng vấn, hồi ký, phim, hình ảnh có nội dung không đúng quy định.

    k) Viết bài, duyệt đăng bài, đưa thông tin không đúng sự thật, không đúng quy định; đe dọa, yêu sách về nội dung bài viết, đăng bài, chia sẻ thông tin liên quan đến các địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân nhằm trục lợi.

    3. Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:

    a) Không chấp hành kỷ luật phát ngôn và bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước, để lộ thông tin, tán phát tài liệu, hiện vật không đúng nguyên tắc, chế độ quy định; tung tin sai lệch về nội bộ Đảng, gây tác động xấu đến ổn định chính trị, kỷ luật, kỷ cương, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và nhân dân, để kẻ xấu và các thế lực thù địch, phản động lợi dụng xuyên tạc, chống phá, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước.

    b) Lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chống Đảng, Nhà nước; nói, viết, lưu giữ trái phép hoặc tán phát thông tin, tài liệu, hiện vật có nội dung trái đường lối, quy định của Đảng hoặc đưa lên mạng xã hội nội dung chống lại chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

    c) Tham gia hoặc kích động, lôi kéo người khác tham gia hội thảo, toạ đàm không được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cho phép, có nội dung trái chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

    d) Lợi dụng quyền bảo lưu ý kiến, quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp để tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước, phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

    đ) Có việc làm sai trái đã được cấp có thẩm quyền nhắc nhở, giải thích nhưng không tiếp thu, tiếp tục viết, phát ngôn, tán phát hồi ký, đơn, thư bôi nhọ, vu khống, công kích Đảng, Nhà nước và chế độ.

    Như vậy, hiện nay đối với việc phát ngôn của đảng viên nó còn phụ thuộc vào mức độ hành vi để áp dụng hình thức kỷ luật gồm: khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức, nặng nhất là khai trừ.

    Việc bạn của bạn là đảng viên phát ngôn gây sốc tiết lộ thông tin bí mật liên quan đến nhà nước có bị khai trừ ra khỏi đảng hay không thì còn phụ thuộc vào mức độ hành vi.

    Đảng viên phát ngôn gây sốc trên mạng xã hội có bị khai trừ ra khỏi Đảng không?

    Đảng viên phát ngôn gây sốc trên mạng xã hội có bị khai trừ ra khỏi Đảng không? (Hình từ Internet)

    Đảng viên dự bị có quyền biểu quyết cơ quan lãnh đạo của Đảng không?

    Theo Điều 3 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011 quy định như sau:

    Đảng viên có quyền :

    1. Được thông tin và thảo luận các vấn đề về Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; biểu quyết công việc của Đảng.

    2. Ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

    3. Phê bình, chất vấn về hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên ở mọi cấp trong phạm vi tổ chức; báo cáo, kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm và yêu cầu được trả lời.

    4. Trình bày ý kiến khi tổ chức đảng nhận xét, quyết định công tác hoặc thi hành kỷ luật đối với mình.

    Đảng viên dự bị có các quyền trên đây, trừ quyền biểu quyết, ứng cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo của Đảng.

    Do đó, theo quy định trên đảng viên dự bị có các quyền giống như đảng viên chính thức tuy nhiên là không có quyền biểu quyết cơ quan lãnh đạo của Đảng.

    Đảng viên có những nhiệm vụ gì?

    Căn cứ Điều 2 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011 quy định như sau:

    Đảng viên có nhiệm vụ :

    1. Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng.

    2. Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác. Chấp hành quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.

    3. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân; tích cực tham gia công tác quần chúng, công tác xã hội nơi làm việc và nơi ở; tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

    4. Tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách và tổ chức của Đảng; phục tùng kỷ luật, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng; thường xuyên tự phê bình và phê bình, trung thực với Đảng; làm công tác phát triển đảng viên; sinh hoạt đảng và đóng đảng phí đúng quy định.

    Trên đây là những nhiệm vụ của đảng viên phải thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.