13:55 - 14/11/2024

Đảng viên giữ chức vụ trong nhà thờ có cần báo cáo với Đảng bộ hay không?

Đảng viên giữ chức vụ trong nhà thờ có cần báo cáo với Đảng bộ hay không? Đảng viên hoạt động mê tín dị đoan sẽ bị xử lý như thế nào?

Nội dung chính

    Đảng viên giữ chức vụ trong nhà thờ có cần báo cáo với Đảng bộ hay không?

    Tại Khoản 2 Điều 34 Quy định 102/QĐ-TW năm 2017 có quy định về hình thức kỷ luật đối với Đảng viên khi vi phạm về lĩnh vực tôn giáo như sau:

    2- Trường hợp vi phạm đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):

    a) Tự ý theo tôn giáo hoặc nhận giữ các chức sắc của các tổ chức tôn giáo mà không báo cáo, xin ý kiến chi bộ và tổ chức đảng quản lý trực tiếp hoặc đã báo cáo nhưng chưa được các tổ chức đảng có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản.

    b) Phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.

    c) Tổ chức, vận động, dụ dỗ, kích động, lôi kéo, đe dọa, ép buộc người khác tham gia tôn giáo bất hợp pháp.

    d) Ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp. Vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân tác động xấu đến đoàn kết dân tộc, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

    đ) Bao che, tiếp tay cho các hoạt động mê tín, dị đoan trong các lễ hội; lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức để trục lợi.

    Căn cứ theo quy định hiện hành, nếu Đảng viên giữ các chức vụ trong nhà thờ (nhận giữ các chức sắc của tổ chức tôn giáo) thì phải xin ý kiến chi bộ, tổ chức đảng quản lý trực tiếp và phải được tổ chức đảng có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản.

    Đảng viên hoạt động mê tín dị đoan sẽ bị xử lý như thế nào?

    Tại Khoản 3 Điều 34 Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 có quy định như sau:

    3- Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:

    a) Tổ chức kích động nhằm chia rẽ đoàn kết giữa các tôn giáo trong nước và ngoài nước.

    b) Hoạt động mê tín, dị đoan đến mức cuồng tín, mù quáng; hành nghề đồng cốt, thầy cúng, thầy bói, thầy địa lý nhằm trục lợi hoặc vì mục đích khác.

    c) Lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái chính sách, pháp luật của Nhà nước.

    d) Lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng để chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm hại tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của tổ chức, cá nhân; gây cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.

    đ) Chủ trì, tham gia hoặc vận động, ủng hộ hoặc bao che, tiếp tay cho cá nhân, tổ chức lập mới và xây mới đền, chùa, miếu thờ, điện thờ, cơ sở thờ tự của các tôn giáo khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    Như vậy, trường hợp Đảng viên hoạt động mê tín dị đoan thì có thể bị khai trừ ra khỏi Đảng.

    9