Dân quân thường trực có thời gian huấn luyện quân sự hằng năm là bao nhiêu ngày theo quy định pháp luật hiện hành?
Nội dung chính
Thời gian huấn luyện quân sự hằng năm đối với dân quân thường trực là bao nhiêu ngày?
Căn cứ Điều 28 Luật Dân quân tự vệ 2019 quy định:
Huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật, hội thi, hội thao, diễn tập cho Dân quân tự vệ
1. Trong thời bình, thời gian huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật hằng năm được quy định như sau:
a) Dân quân tự vệ năm thứ nhất là 15 ngày, trừ dân quân thường trực;
b) Dân quân tự vệ từ năm thứ hai trở đi là 12 ngày đối với Dân quân tự vệ cơ động, Dân quân tự vệ biển, Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế; 07 ngày đối với Dân quân tự vệ tại chỗ;
c) Dân quân thường trực là 60 ngày.
2. Trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh, Dân quân tự vệ được huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và tình hình của địa phương, cơ quan, tổ chức.
3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chương trình, nội dung, danh mục vật chất cho huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật, hội thi, hội thao, diễn tập cho Dân quân tự vệ.
Như vậy, bạn tham gia Dân quân thường trực thì hằng năm phải thực hiện huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật 60 ngày theo quy định trên.
Thời gian huấn luyện quân sự hằng năm đối với dân quân thường trực là bao nhiêu ngày? (Ảnh từ Internet)
Dân quân tự vệ có thể phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện khắc phục hậu quả thảm họa không?
Theo Điều 31 Luật Dân quân tự vệ 2019 quy định:
Hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ
1. Dân quân tự vệ phối hợp với lực lượng chức năng trong các hoạt động sau đây:
a) Bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, hải đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam;
b) Bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật;
c) Tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện; thực hiện chính sách xã hội;
d) Phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và hoạt động phòng thủ dân sự khác.
2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo đó, Dân quân tự vệ phối hợp với lực lượng chức năng trong các hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai theo quy định.
Thẩm quyền điều động dân quân tự vệ được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 32 Luật Dân quân tự vệ 2019 thì thẩm quyền điều động dân quân tự vệ được quy định như sau:
(1) Trong trường hợp chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh, ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng khẩn cấp, lệnh thiết quân luật, giới nghiêm, khi cần thiết sử dụng Dân quân tự vệ làm nhiệm vụ thì thẩm quyền điều động được quy định như sau:
- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam điều động Dân quân tự vệ trong phạm vi cả nước;
- Tư lệnh quân khu điều động Dân quân tự vệ trong địa bàn quân khu sau khi thống nhất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có Dân quân tự vệ được điều động;
- Tư lệnh Quân chủng Hải quân điều động Dân quân tự vệ biển sau khi thống nhất với Tư lệnh quân khu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi có Dân quân tự vệ biển được điều động;
- Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội điều động Dân quân tự vệ trong địa bàn thành phố Hà Nội sau khi được sự nhất trí của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam;
- Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh điều động Dân quân tự vệ trong địa bàn cấp tỉnh sau khi được sự nhất trí của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Tư lệnh quân khu;
- Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện điều động Dân quân tự vệ trong địa bàn cấp huyện sau khi được sự nhất trí của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh;
- Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã điều động dân quân thuộc quyền trong phạm vi cấp xã sau khi được sự nhất trí của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện;
- Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức điều động tự vệ thuộc quyền trong phạm vi cơ quan, tổ chức sau khi được sự nhất trí của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện;
- Người đứng đầu doanh nghiệp quân đội điều động tự vệ thuộc quyền trong phạm vi của doanh nghiệp.
(2) Trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng khẩn cấp, thiết quân luật, giới nghiêm thì việc điều động, sử dụng Dân quân tự vệ thực hiện theo quy định của Luật Quốc phòng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(3) Chủ tịch Ủy ban nhân dân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi có Dân quân tự vệ được điều động phải chấp hành nghiêm quyết định điều động của cấp có thẩm quyền; tiếp nhận, bố trí công việc cho tự vệ sau khi hoàn thành nhiệm vụ.