Đại diện hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự là ai?
Nội dung chính
1. Đại diện hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự là ai?
Ai là đại diện hợp pháp của đương sự? Chào Ban biên tập, em tên là Hoài Lâm, có vấn đề thắc mắc cần Ban biên tập tư vấn. Cho em hỏi: Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước là người đại diện hợp pháp của đương sự là đúng hay sai? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập. Chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Khoản 2 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định Đương sự trong vụ việc dân sự như sau:
Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.
Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn.
Như vậy, theo quy định thì cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước là nguyên đơn.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập về đại diện hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.
2. Tống đạt văn bản trong trường hợp bị đơn đã ủy quyền hợp lệ cho người đại diện tham gia tố tụng
Trường hợp bị đơn đã ủy quyền hợp lệ cho người đại diện tham gia tố tụng thì Tòa án tống đạt văn bản tố tụng cho bị đơn hay người đại diện tham gia tố tụng? Trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm nhưng người đại diện theo ủy quyền của đương sự có mặt thì Tòa án có phải hoãn phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 không?
Trả lời:
Khoản 4 Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: “Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự”.
Khoản 2 Điều 86 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: “Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự theo nội dung văn bản ủy quyền”.
Theo quy định tại Điều 141 Bộ luật dân sự 2015, phạm vi đại diện theo ủy quyền được xác định theo nội dung ủy quyền.
Như vậy, trường hợp bị đơn đã ủy quyền cho người khác đại diện cho mình tham gia tố tụng thì Tòa án chỉ tống đạt cho người đại diện của bị đơn mà không phải tống đạt cho bị đơn. Việc tống đạt cho người đại diện của bị đơn được thực hiện theo quy định tại Chương X của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Tòa án chỉ tống đạt cho bị đơn khi việc ủy quyền tham gia tố tụng giữa bị đơn và người đại diện của họ chấm dứt hoặc việc tống đạt liên quan đến những nội dung không thuộc phạm vi ủy quyền.
Việc đương sự vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm nhưng người đại diện theo ủy quyền của đương sự có mặt mà theo văn bản ủy quyền, người đại diện được thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của đương sự tại phiên tòa thì Tòa án vẫn tiến hành phiên tòa phúc thẩm mà không hoãn phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
3. Đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự
Đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự được quy định như thế nào? Mong Ban biên tập Thư Ký Luật tư vấn giúp tôi. Xin cám ơn!
Trả lời:
Đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự được quy định tại Điều 85 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 như sau:
"Điều 85. Người đại diện
1. Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.
2. Người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ.
3. Tổ chức đại diện tập thể lao động là người đại diện theo pháp luật cho tập thể người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động bị xâm phạm; tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng khi được người lao động ủy quyền.
Trường hợp nhiều người lao động có cùng yêu cầu đối với người sử dụng lao động, trong cùng một doanh nghiệp, đơn vị thì họ được ủy quyền cho một đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động thay mặt họ khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án.
4. Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.
Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện."
Trên đây là đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Trân trọng