Công nhân thu gom rác thải có được hưởng phụ cấp độc hại không?
Nội dung chính
Thứ nhất, đối tượng được hưởng phụ cấp độc hại: Trong Danh mục Nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm kèm theo Quyết định 1629/LĐTBXH-QĐ năm 1996 thì bao gồm cả đối tượng là những người lao động thu dọn rác bến tàu, xe; quét rác đường phố. Công việc này thường xuyên tiếp xúc với rác bẩn và bụi nồng độ cao.
Thứ hai, về mức hưởng phụ cấp độc hại:
- Trường hợp bạn là công nhân thu gom rác thải tại công ty không phải công ty Nhà nước thì mức phụ cấp độc hại được trả tùy theo sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về chế độ bảo hộ lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội. Theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 7 Nghị định 49/2013/NĐ-CP thì mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường. Bạn cũng có thể được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại theo quy định tại Điều 141 Bộ Luật lao động 2012 và Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH.
Mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền tương ứng,cụ thể như sau:
+ Có ít nhất 01 yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm: 10.000 đồng
+ Có ít nhất 02 yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép hoặc có ít nhất 01 yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép đồng thời trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm: 15.000 đồng.
Nếu người lao động làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng, nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng nêu trên.
Nếu bạn là công nhân làm những công việc trên tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu thì theo Khoản 1 Điều 11 Thông tư 17/2015/TT-BLĐTBXH, mức phụ cấp đối với nghề, công việc có điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thấp nhất bằng 5% và cao nhất bằng 10% so với mức lương của nghề hoặc công việc có độ phức tạp tương đương trong điều kiện lao động bình thường. Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được tính trả cùng kỳ trả lương hàng tháng theo thời gian thực tế làm công việc có điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.
Trân trọng!