10:21 - 02/10/2024

Công an xử lý thông tin tố cáo hành vi vi phạm pháp luật được quy định như thế nào?

Cho hỏi theo quy định thì việc xử lý thông tin tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Công an được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Công an xử lý thông tin tố cáo hành vi vi phạm pháp luật được quy định như thế nào?

    Xử lý thông tin tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Công an được quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư 85/2020/TT-BCA, cụ thể như sau:

    Xử lý thông tin tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ:

    - Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông tin tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an phải tổ chức kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ của người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo để quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết tố cáo; trường hợp tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết và đủ điều kiện thụ lý theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Tố cáo thì thụ lý tố cáo, trường hợp tố cáo không đủ điều kiện thụ lý thì không thụ lý và phải thông báo bằng văn bản cho người tố cáo biết việc thụ lý hoặc không thụ lý; trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm hoặc phải ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thì thời hạn có thể dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc;

    - Đối với tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, nhưng thuộc trách nhiệm giải quyết của Công an nhân dân, thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo, cơ quan, đơn vị tiếp nhận tố cáo phải chuyển đến Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 22/2019/NĐ-CP để xem xét, giải quyết; đồng thời thông báo bằng văn bản cho người tố cáo và cơ quan Thanh tra Công an cùng cấp với cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết tố cáo biết;

    - Trường hợp đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và được gửi đồng thời cho nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân, trong đó có cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân hoặc đã được hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi đơn tố cáo đến thì lưu đơn, không xử lý;

    - Trường hợp người tố cáo không trực tiếp tố cáo mà ủy quyền cho người khác tố cáo hoặc có căn cứ xác định người tố cáo không đủ năng lực hành vi dân sự mà không có người đại diện theo quy định của pháp luật thì lưu đơn, không xử lý;

    - Trường hợp tố cáo đã được giải quyết đúng quy định của pháp luật, được kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản nhưng người tố cáo tiếp tục tố cáo mà không cung cấp thông tin, tình tiết mới thì không xem xét, xử lý và lưu đơn;

    - Trường hợp người tố cáo có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo không đúng quy định của pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết; cơ quan, đơn vị Công an cấp dưới có dấu hiệu không khách quan trong việc giải quyết tố cáo thì chuyển đơn hoặc hướng dẫn người tố cáo đến Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp trên trực tiếp của người giải quyết tố cáo để xem xét, xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 37, khoản 1, 5 Điều 38 Luật Tố cáo.

    Trân trọng.

    2