Thứ 6, Ngày 15/11/2024
11:13 - 09/11/2024

Có phải gửi đơn đến UBND xã đối với tranh chấp lối đi chung không?

Có phải gửi đơn đến UBND xã đối với tranh chấp lối đi chung không? Giải quyết về tranh chấp lối thoát nước ở cơ quan nào? Tư cách tham gia tố tụng khi giải quyết tranh chấp về nhãn hiệu tập thể của hộ gia đình, tổ hợp tác được xác định ra sao?

Nội dung chính

    Có phải gửi đơn đến UBND xã đối với tranh chấp lối đi chung không?

    Năm 2006, em có mua một miếng đất đã được tách sổ, trên sổ không có hiện thị đường đi, lúc mua có thỏa thuận miệng là có đường đi chung ngay trên đất của chủ đất. Đường đi đó được sử dụng từ đó đến này, hiện tại thì chủ đất lấy lại để bán và không cho gia đình em đi lại. Cho em hỏi là giờ em có quyền khiếu nại chủ đất để nguyên đường đi cho gia đình em sử dụng hay không? Và em khiếu nại ở đâu để giải quyết ạ. Em cám ơn.

    Trả lời:

    Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 Quy định:

    1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

    Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

    Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

    3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.

    Theo Điều 203 Luật Đất đai 2013 thì trường hợp tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì đương sự có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân để giải quyết.

    Như vậy, theo quy định trên nếu đó là lối đi duy nhất thì người hàng xóm - chủ đất có trách nhiệm dành cho gia đình bạn một lối đi hợp lý và bạn sẽ hoàn trả lại cho họ một phần tiền tương ứng. Ở đây theo trình bày của bạn, thì ban đầu khi mua đất hai bên đã thỏa thuận được sử dụng lối đi trên đất của người chủ, nay người này bán không cho gia đình bạn đi lại, nếu có tranh chấp thì trước hết bạn sẽ gửi đơn yêu cầu đến Chủ tịch UBND xã nơi có đất để hòa giải. Nếu hòa giải không thành thì bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện nơi có đất.

    Lưu ý với bạn mặc dù trước đó bạn đã thỏa thuận nhưng vì là thỏa thuận miệng nên rất khó để làm bằng chứng khi yêu cầu giải quyết, rất có thể nếu được giành một phần lối đi thì bạn cũng sẽ phải hoàn trả lại cho họ một phần tiền tương ứng.

    Giải quyết về tranh chấp lối thoát nước ở cơ quan nào?

    Em có 3000 m2 đất hiện đang bị nước ao tràn qua nhưng nhà kế bên không chịu cho gia đình tôi thoát nước ngang qua diện tích đất của họ dù đã thỏa thuận nhưng không được. Vậy giờ gia đình em phải lên cơ quan nào giải quyết thế nào? Mong nhận được sự giải đáp.

    Trả lời:

    Theo Điều 252 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy.

    Như vậy, nếu do vị trí tự nhiên mà việc thoát nước từ mảnh đất nhà bạn mà buộc phải thoát qua diện tích đất nhà bên cạnh thì chủ sở hữu QSDĐ bên cạnh phải dành cho bạn một lốt thoát nước thích hợp.

    Việc giải quyết về lối thoát nước này thì ưu tiên theo thỏa thuận của các bên, nếu không thỏa thuận được thì sẽ tiến hành hòa giải tại cơ sở - UBND cấp xã, nếu sau đó không hòa giải được thì bạn có thể khởi kiện lên Tòa án nhân dân có thẩm quyền hoặc yêu cầu UBND có thẩm quyền giải quyết (Theo Luật đất đai 2013).

    Tư cách tham gia tố tụng khi giải quyết tranh chấp về nhãn hiệu tập thể của hộ gia đình, tổ hợp tác được xác định ra sao?

    Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác là chủ thể đã đăng ký và được cấp nhãn hiệu tập thể theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Khi hộ gia đình, tổ hợp tác khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về nhãn hiệu tập thể đó hoặc bị khởi kiện thì việc xác định tư cách tham gia tố tụng như thế nào?

    Trả lời:

    Theo quy định tại Điều 101 Bộ luật Dân sự 2015 thì hộ gia đình, tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân sẽ không thể tham gia vào việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án với tư cách độc lập là nguyên đơn, bị đơn hay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. 

    Trường hợp này các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác đó sẽ trực tiếp tham gia vào việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Việc xác định tư cách tham gia tố tụng của các thành viên trong hộ gia đình, tổ hợp tác được thực hiện như sau:

    - Trường hợp tất cả thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác tự mình khởi kiện vụ án thì phải xác định tất cả các thành viên trong hộ gia đình, tổ hợp tác là đồng nguyên đơn trong vụ án đó.

    - Trường hợp tất cả thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác đều đồng ý khởi kiện vụ án và thống nhất ủy quyền bằng văn bản cho một thành viên trong hộ gia đình, tổ hợp tác hoặc người khác làm người đại diện khởi kiện vụ án tại Tòa án thì phải xác định các thành viên trong hộ gia đình, tổ hợp tác là đồng nguyên đơn trong vụ án và xác định người đại diện hợp pháp của các đồng nguyên đơn là người được các thành viên trong hộ gia đình, tổ hợp tác ủy quyền.

    - Trường hợp một hoặc một số thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác khởi kiện mà không được các thành viên còn lại ủy quyền bằng văn bản làm người đại diện khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án cần hỏi những thành viên còn lại trong hộ gia đình, tổ hợp tác xem họ có đồng ý khởi kiện vụ án hay không. Nếu các thành viên còn lại trong hộ gia đình, tổ hợp tác đồng ý khởi kiện vụ án thì xác định họ là nguyên đơn như trường hợp 1 và 2 nêu trên. Nếu các thành viên còn lại trong hộ gia đình, tổ hợp tác không đồng ý khởi kiện vụ án thì phải xác định nguyên đơn là các thành viên trong hộ gia đình, tổ hợp tác khởi kiện; những thành viên trong hộ gia đình, tổ hợp tác không khởi kiện được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án đó.

    Trường hợp hộ gia đình, Tổ hợp tác là người bị khởi kiện thì việc xác định tư cách tham gia tố tụng của các thành viên trong hộ gia đình, tổ hợp tác được thực hiện như sau:

    - Trường hợp tất cả các thành viên trong Hộ gia đình, Tổ hợp tác đều bị kiện thì phải xác định tất cả các thành viên trong hộ gia đình, tổ hợp tác là đồng bị đơn trong vụ án đó.

    - Trường hợp chỉ có một hoặc một số thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác bị kiện thì phải xác định các thành viên bị kiện là bị đơn; các thành viên còn lại trong hộ gia đình, Tổ hợp tác không bị kiện được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án đó.

    Trên đây là nội dung quy định tại Mục 10 Phần IV Công văn 212/TANDTC-PC năm 2019.

    Trân trọng!