Có được kinh doanh vũ trường gần khu di tích lịch sử không?
Nội dung chính
Có được kinh doanh vũ trường gần khu di tích lịch sử không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định 54/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 148/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường như sau:
Điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường
1. Là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.
2. Bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và Nghị định số 56/2023/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Nghị định số 99/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 về quản lý và sử dụng con dấu, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 quy định về quản lý, sử dụng pháo.
3. Phòng vũ trường phải có diện tích sử dụng từ 80 m2 trở lên, không kể công trình phụ.
4. Không được đặt chốt cửa bên trong phòng vũ trường hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ).
5. Địa điểm kinh doanh phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa từ 200 m trở lên.
Theo đó, một trong những điều kiện kinh doanh vũ trường đó là địa điểm kinh doanh phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa từ 200 m trở lên.
Như vậy, sẽ không được phép kinh doanh vũ trường ở địa điểm cách khu di tích lịch sử - văn hóa dưới 200 mét.
>>Xem thêm: Hộ gia đình có được đăng ký kinh doanh dịch vụ vũ trường hay không?
Có được kinh doanh vũ trường gần khu di tích lịch sử không? (Hình từ Internet)
Kinh doanh vũ trường gần khu di tích lịch sử không đúng quy định bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo quy định tại điểm g khoản 6 Điều 15 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường như sau:
Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường
...
6. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường không bảo đảm diện tích theo quy định;
b) Đặt chốt cửa bên trong phòng hát karaoke, phòng vũ trường;
c) Đặt thiết bị báo động, trừ các thiết bị báo cháy nổ tại địa điểm kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường;
d) Không bảo đảm hình ảnh phù hợp với lời bài hát thể hiện trên màn hình (hoặc hình thức tương tự) hoặc với văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam trong phòng hát karaoke;
đ) Không điều chỉnh giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường trong trường hợp thay đổi về số lượng phòng hoặc thay đổi chủ sở hữu;
e) Kinh doanh dịch vụ vũ trường trong khoảng thời gian từ 02 giờ đến 8 giờ mỗi ngày;
g) Kinh doanh dịch vụ vũ trường ở địa điểm cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa dưới 200 mét.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 5, 6 và 7 Điều 10; các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 10a; điểm a khoản 2, các khoản 3, 5 và 6, các điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 14; các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm b khoản 5 Điều 21; các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm b khoản 5 Điều 23; khoản 1 Điều 24; các Điều 30, 38, 39 và 40 Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức.
3. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Như vậy, hành vi kinh doanh vũ trường ở địa điểm cách khu di tích lịch sử - văn hóa dưới 200 mét thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân.
Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm nói trên thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vũ trường được quy định ra sao?
Căn cứ theo Điều 8 Nghị định 54/2019/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vũ trường như sau:
- Ngoài trách nhiệm quy định tại Điều 6 Nghị định 54/2019/NĐ-CP, doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh có trách nhiệm:
+ Không được hoạt động từ 02 giờ sáng đến 08 giờ sáng.
+ Không cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi.
+ Trường hợp có chương trình biểu diễn nghệ thuật phải thực hiện theo quy định của pháp luật về biểu diễn nghệ thuật.