Có cần phải đăng ký hành nghề khi là luật sư hành nghề với tư cách cá nhân?
Chào Ban biên tập, em có thắc mắc cần được giải đáp ạ. Em đang là sinh viên Luật năm nhất của Đại học K. Định hướng trong tương lai của em là sẽ làm luật sư, theo như em tìm hiểu thì luật sư được hành nghề dưới 2 hình thức là hành nghề với tư cách cá nhân và hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư. Nếu luật sư hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư thì không cần phải đăng ký hành nghề rồi vậy luật sư hành nghề với tư cách cá nhân thì sao ạ? Rất mong Ban biên tập giải đáp vấn đề này giúp em.
Nội dung chính
Có cần phải đăng ký hành nghề khi là luật sư hành nghề với tư cách cá nhân?
Theo Khoản 1 Điều 50 Luật luật sư 2006 được sửa đổi bởi Khoản 20 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân như sau:
1. Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân đăng ký hành nghề tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có Đoàn luật sư mà luật sư đó là thành viên.
Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân phải có Đơn đề nghị đăng ký hành nghề luật sư theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành, kèm theo hồ sơ gửi Sở Tư pháp.
Hồ sơ gồm có:
a) Bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư, bản sao Thẻ luật sư;
b) Bản sao Hợp đồng lao động ký kết với cơ quan, tổ chức.
Như vậy, theo quy định trên luật sư hành nghề với tư cách cá nhân thì phải đăng ký hành nghề tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có Đoàn luật sư mà luật sư đó là thành viên.
Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân không đăng ký hành nghề thì bị xử phạt như nào?
Tại Khoản 4 và Khoản 9 Điều 6 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm quy định đối với hoạt động hành nghề luật sư:
…
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư, giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam của luật sư nước ngoài, văn bản thông báo về việc đăng ký bào chữa, thông báo về việc đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp;
b) Hành nghề tại Việt Nam khi giấy phép hành nghề của luật sư nước ngoài đã hết hạn;
c) Hành nghề luật sư với tư cách cá nhân mà không đăng ký hành nghề tại cơ quan có thẩm quyền.
…
9. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 3, các điểm b và c khoản 4, khoản 5, các điểm a, b, d và đ khoản 6, các điểm d và e khoản 7 Điều này.
Căn cứ Khoản 4 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về mức tiền phạt:
4. Mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III, IV, V, VI và VII Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ các điều quy định tại khoản 5 Điều này. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Do đó, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân mà không đăng ký hành nghề thì sẽ bị phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng và còn phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được lúc hành nghề chưa đăng ký.
Trân trọng!