07:48 - 12/11/2024

Chủ thể của hợp đồng mua bán nhà ở

Chủ thể của hợp đồng mua bán nhà ở được pháp luật quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Chủ thể của hợp đồng mua bán nhà ở

    Chủ thể của hợp đồng mua bán nhà ở là bên bán và bên mua nhà ở.

    Bên bán nhà là mọi cá nhân, tổ chức có nhu cầu chuyển quyền sở hữu nhà của mình cho chủ thể khác. Chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân tạo lập hợp pháp nhà ở (Điều 9 Luật Nhà ở 2014) trường hợp chủ sở hữu nhà ở có yêu cầu thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở cho họ. Người bán nhà ở là người có quyền sở hữu nhà ở hoặc được ủy quyền hợp pháp bán. Bên bán phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Những người không có năng lực hành vi hoặc có năng lực hành vi không đầy đủ khi bán nhà phải có người giám hộ đại diện. Pháp luật quy định người giám hộ không được mua nhà ở của người mình giám hộ, trừ trường hợp bán đấu giá. Nếu bên bán có nhiều người cùng sở hữu chung hợp nhất nhà ở thì khi bán phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các chủ sở hữu.

    Bên mua nhà ở là cá nhân, tổ chức có nhu cầu về nhà ở và có đủ các điều kiện do pháp luật quy định. Nếu là cá nhân phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự mới có quyền tự mình xác lập và thực hiện hợp đồng mua bán nhà ở. Cá nhân không hoặc chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì việc xác lập và thực hiện hợp đồng phải thông qua người đại diện theo quy định của pháp luật.

    Chủ thể của hợp đồng mua bán nhà phải đáp ứng các điều kiện sau:

    – Bên bán phải có quyền định đoạt đối với nhà bán:

    + Đó có thể là chủ sở hữu đối với diện tích nhà đem bán.

    + Hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền định đoạt đối với ngôi nhà.

    + Hoặc là người có quyền định đoạt đối với ngôi nhà theo thỏa thuận đối với chủ sở hữu nhà hay theo quy định của pháp luật. Ví dụ: đó có thể là bên nhận cầm cố, nhận thế chấp nhà có quyền xử lý nhà khi đến hạn bên có nghĩa vụ thanh toán vi phạm nghĩa vụ; hoặc là cơ quan thi hành án có quyền bán nhà của bên phải thi hành án để thực hiện nghĩa vụ khi đến hạn.

    Nếu nhà bán thuộc quyền sở hữu chung thì phải được sự đồng ý của tất cả các đồng sở hữu chung. Nếu chỉ bán một phần quyền sở hữu chung đối với nhà thì phải dành quyền ưu tiên mua cho các đồng sở hữu còn lại trong thời hạn 3 tháng.

    – Là cá nhân có năng lực hành vi dân sự khi tham gia ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán nhà. Tổ chức bán nhà phải có năng lực kinh doanh nhà ở, trừ trường hợp tổ chức bán nhà ở không nhằm mục đích kinh doanh.

    – Bên mua nhà ở nếu là cá nhân trong nước thì không phụ thuộc vào nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; nếu là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải thuộc diện sở hữu nhà theo quy định của Luật Nhà ở tại Điều 9, Điều 125, Điều 126; nếu là tổ chức thì không phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh. Trong một số trường hợp bên mua nhà phải có hộ khẩu thường trú tại nơi bán nhà theo phạm vi cấp tỉnh, thành phố nếu pháp luật có quy định.

    22