10:12 - 02/10/2024

Bộ phận chống đau trong khoa gây mê - hồi sức thực hiện những nhiệm vụ gì?

Bộ phận chống đau của khoa gây mê - hồi sức đảm nhận nhiệm vụ gì? Nội dung này tôi có thể tham khảo thêm thông tin tại đâu?

Nội dung chính

    Bộ phận chống đau trong khoa gây mê - hồi sức thực hiện những nhiệm vụ gì?

    Ngày 20/8/2012, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 13/2012/TT-BYT hướng dẫn công tác gây mê - hồi sức. Thông tư này hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị và hoạt động gây mê - hồi sức trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện phẫu thuật, thủ thuật có gây mê - hồi sức.

    Theo đó, nhiệm vụ của bộ phận chống đau thuộc khoa gây mê - hồi sức là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 6 Điều 8 Thông tư 13/2012/TT-BYT. Cụ thể bao gồm:

    (1) Khám, tư vấn, xử trí chống đau cho người bệnh trước phẫu thuật, sau phẫu thuật và các trường hợp đau cấp và mạn tính sau mổ khác;

    (2) Trước khi thực hiện kỹ thuật chống đau phải thông báo, giải thích cho người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh về kỹ thuật, phương pháp chống đau sẽ thực hiện;

    (3) Theo dõi, xử trí các biến chứng, tác dụng không mong muốn nếu có của phương pháp, kỹ thuật chống đau.

    Liên quan đến nội dung này, để bạn nắm rõ hơn vấn đề, Ban biên tập gửi đến bạn một số thông tin về nhiệm vụ của khoa gây mê - hồi sức tại các cơ sở y tế như sau: 

    - Bộ phận hành chính:

    + Theo dõi, thống kê, tổng hợp, báo cáo về các hoạt động chuyên môn;

    +  Theo dõi, thống kê, tổng hợp, báo cáo về cấp phát, sử dụng trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc và hóa chất;

    +  Theo dõi nhân lực và các công tác hành chính khác tại khoa.

    - Bộ phận khám trước gây mê:

    + Khám trước gây mê để chuẩn bị người bệnh trước khi phẫu thuật, thủ thuật;

    + Khám trước gây mê do bác sỹ gây mê - hồi sức thực hiện tại bộ phận khám trước gây mê hoặc tại khu phẫu thuật hoặc tại khoa có người bệnh phải phẫu thuật, thủ thuật tùy thuộc vào điều kiện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và tình trạng bệnh lý của người bệnh;

    + Khám trước gây mê được thực hiện trong khoảng thời gian từ 01 đến 07 ngày trước khi người bệnh được phẫu thuật, thủ thuật (trừ trường hợp cấp cứu);

    + Bác sỹ khám trước gây mê có quyền yêu cầu bổ sung xét nghiệm hoặc tổ chức hội chẩn và phải ghi chép đầy đủ vào hồ sơ bệnh án để thực hiện;

    + Bác sỹ khám trước gây mê có trách nhiệm thông báo và thảo luận với người thực hiện phẫu thuật, thủ thuật, người sẽ thực hiện gây mê - hồi sức về các nguy cơ, biến chứng có thể xảy ra liên quan đến gây mê - hồi sức; giải thích về nguy cơ và lợi ích liên quan đến gây mê - hồi sức cho người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh trước khi ký giấy đồng ý gây mê - hồi sức, phẫu thuật hoặc thủ thuật.

    Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ quy định nêu trên, các bộ phận của khoa gây mê - hồi sức phải thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của trưởng khoa.

    3