Bộ Công an đề xuất không tổ chức công an cấp huyện? Cơ cấu tổ chức của Công an nhân dân như thế nào?
Nội dung chính
Bộ Công an đề xuất không tổ chức công an cấp huyện?
Tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức cán bộ trong Công an nhân dân năm 2024 và triển khai chương trình công tác năm 2025 (ngày 07/01/2025), một trong những nhiệm vụ được Bộ trưởng Bộ Công an đề ra là:
Khẩn trương hoàn thiện các đề án, phương án điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công an; đồng thời sắp xếp, tinh gọn tổ chức công an địa phương để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi phê duyệt, nhanh chóng lập kế hoạch triển khai thực hiện theo hướng giảm cấp trung gian ở địa phương, tăng cường lực lượng tại cơ sở. Hướng tới mô hình công an 3 cấp (Bộ, tỉnh, xã), không tổ chức công an cấp huyện, đảm bảo sự lãnh đạo và chỉ huy trực tiếp, nhanh chóng, xuyên suốt từ Bộ đến địa phương.
Như vậy, khi tinh gọn tổ chức thì Bộ Công an đề xuất không tổ chức công an cấp huyện.
Bộ Công an đề xuất không tổ chức công an cấp huyện? Cơ cấu tổ chức của công an nhân dân như thế nào?
Cơ cấu tổ chức của Công an nhân dân như thế nào?
Căn cứ Điều 17 Luật Công an nhân dân 2018 quy định cơ cấu tổ chức của Công an nhân dân bao gồm?
- Bộ Công an;
- Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Công an cấp tỉnh);
- Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (Công an cấp huyện);
- Công an xã, phường, thị trấn (Công an cấp xã).
Nguyên tắc tổ chức hoạt động của Công an nhân dân
Căn cứ Điều 4 Luật Công an nhân dân 2018 quy định nguyên tắc tổ chức hoạt động của Công an nhân dân như sau:
- Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an.
- Được tổ chức tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn và theo cấp hành chính từ trung ương đến cơ sở.
- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; cấp dưới phục tùng cấp trên; dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Chức năng của Công an nhân dân được quy định ra sao?
Căn cứ Điều 15 Luật Công an nhân dân 2018 quy định chức năng của Công an nhân dân cụ thể như sau:
Công an nhân dân có chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Cơ quan nào có thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an?
Theo Điều 18 Luật Công an nhân dân 2018 quy định thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức trong Công an nhân dân như sau:
- Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an.
- Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đơn vị trực thuộc Bộ, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Công an xã, phường, thị trấn và các đơn vị còn lại trong Công an nhân dân.
Chỉ huy trong Công an nhân dân được quy định ra sao?
Căn cứ Điều 19 Luật Công an nhân dân 2018 quy định chỉ huy trong Công an nhân dân như sau:
- Bộ trưởng Bộ Công an là người chỉ huy cao nhất trong Công an nhân dân.
- Chỉ huy công an cấp dưới chịu trách nhiệm trước chỉ huy công an cấp trên về tổ chức và hoạt động của đơn vị công an được giao phụ trách. Chỉ huy công an địa phương chịu trách nhiệm trước chỉ huy công an cấp trên và trước cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp.
- Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân có chức vụ hoặc cấp bậc hàm cao hơn là cấp trên của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ có chức vụ hoặc cấp bậc hàm thấp hơn.
Trường hợp sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ có chức vụ cao hơn nhưng cấp bậc hàm ngang hoặc thấp hơn là cấp trên của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ có cấp bậc hàm ngang hoặc cao hơn nhưng chức vụ thấp hơn.