01:00 - 09/01/2025

26 tháng Chạp là thứ mấy, ngày mấy năm 2025? Lịch nghỉ Tết âm lịch 2025? Cách tính thuế TNCN đối với tiền thưởng Tết âm lịch?

Theo lịch âm thì thứ mấy, ngày mấy năm 2025 là 26 tháng Chạp? Tết âm lịch 2025 được nghỉ bao nhiêu ngày? Tiền thưởng Tết được tính thuế TNCN như thế nào?

Nội dung chính

    26 tháng Chạp là thứ mấy, ngày mấy năm 2025? Lịch nghỉ Tết âm lịch 2025?

    Dựa vào Lịch âm năm 2024 và Lịch dương năm 2025, ngày 26 tháng Chạp sẽ rơi vào thứ Bảy, ngày 25/1/2025. Đây là thời điểm cận Tết Nguyên Đán, hay còn gọi là ngày 26 tết âm lịch.

    Đồng thời, mới đây Văn phòng Chính phủ đã có Công văn 8726/VPCP-KGVX năm 2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc nghỉ Tết Âm lịch và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025. Theo đó, Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại các văn bản nêu trên về việc nghỉ Tết Âm lịch.

    Theo phương án Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ, Tết Nguyên đán năm 2025, cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ 9 ngày liên tục, gồm 5 ngày nghỉ Tết và 4 ngày nghỉ hằng tuần.

    Cụ thể, công chức, viên chức, người lao động được nghỉ Tết Nguyên đán 5 ngày, từ thứ Hai, ngày 27/1/2025 đến hết thứ Sáu, ngày 31/1/2025 (tức 28 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến ngày mùng 3 tháng Giêng năm Ất Tỵ).

    Tuy nhiên, do năm 2025, cả 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán rơi vào các ngày làm việc trong tuần nên người lao động được nghỉ thêm 2 ngày nghỉ cuối tuần trước và 2 ngày nghỉ sau nghỉ Tết.

    Do vậy, chính thức công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội sẽ được nghỉ tết từ 25/1 - 2/2/2025 (26 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng).

    26 tháng chạp là thứ mấy, ngày mấy năm 2025? Lịch nghỉ Tết âm lịch 2025? Cách tính thuế TNCN đối với tiền thưởng Tết âm lịch? (Hình từ Internet)

    Cách tính thuế TNCN đối với tiền thưởng Tết âm lịch?

    Căn cứ điểm e khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định các khoản thu nhập chịu thuế, thì tiền thưởng Tết âm lịch được xem là thu nhập chịu thuế. Do đó người nộp thuế khi tính thuế TNCN phải gộp khoản tiền thưởng Tết này vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của mình.

    Đồng thời, căn cứ Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 25 Thông tư 92/2015/TT-BTC và khoản 2 Điều 8 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với tiền thưởng tết âm lịch được dựa vào công thức như sau:

    Thuế thu nhập cá nhân = Thu nhập tính thuế x Thuế suất

    Trong đó:

    - Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - các khoản giảm trừ theo hướng dẫn tại Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC

    - Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công, tiền thù lao, tiền thưởng Tết, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công nhận được - các khoản được miễn thuế.

    Lưu ý: Thuế TNCN đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công là tổng số thuế tính theo từng bậc thu nhập. Số thuế tính theo từng bậc thu nhập bằng thu nhập tính thuế của bậc thu nhập nhân (×) với thuế suất tương ứng của bậc thu nhập đó.

    Cụ thể, khoản 2 Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về thuế suất và biểu thuế lũy tiến từng phần như sau:

    Bậc thuế

    Phần thu nhập tính thuế/năm

    (triệu đồng)

    Phần thu nhập tính thuế/tháng

    (triệu đồng)

    Thuế suất (%)

    1

    Đến 60

    Đến 5

    5

    2

    Trên 60 đến 120

    Trên 5 đến 10

    10

    3

    Trên 120 đến 216

    Trên 10 đến 18

    15

    4

    Trên 216 đến 384

    Trên 18 đến 32

    20

    5

    Trên 384 đến 624

    Trên 32 đến 52

    25

    6

    Trên 624 đến 960

    Trên 52 đến 80

    30

    7

    Trên 960

    Trên 80

    35

    Như vậy, dựa theo những công thức tính thuế trên, để tính chính xác số thuế TNCN từ thu nhập bao gồm tiền thưởng Tết âm lịch phải nộp, cần thực hiện theo các bước sau:

    - Bước 1: Tính tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công, tiền thưởng Tết,...

    - Bước 2: Tính các khoản thu nhập được miễn thuế (nếu có).

    - Bước 3: Tính thu nhập chịu thuế.

    - Bước 4: Tính các khoản được giảm trừ.

    - Bước 5: Tính thu nhập tính thuế.

    - Bước 6: Tính thuế thu nhập phải nộp.

    Người lao động làm việc vào ngày Tết âm lịch được tính lương như thế nào?

    Căn cứ Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm như sau:

    Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
    1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
    a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
    b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
    c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
    2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
    3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
    4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

    Đồng thời, căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghỉ lễ, tết như sau:

    Nghỉ lễ, tết
    1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
    a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
    b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
    c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
    d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
    đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
    e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
    ....

    Như vậy, người lao động làm việc vào ngày Tết âm lịch thì sẽ được nhận lương của một ngày làm việc và hưởng thêm ít nhất bằng 300% tiền lương của ngày làm việc.

    Trường hợp người lao động làm việc vào ban đêm vào ngày Tết âm lịch thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

    Trường hợp người lao động làm thêm giờ vào ban đêm vào ngày Tết âm lịch thì được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc của ngày nghỉ tết.

    46