Báo cáo kết quả cuộc thanh tra đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế
Nội dung chính
Báo cáo kết quả cuộc thanh tra đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế
Xin chào Ban biên tập, gần đây tôi đang tìm hiểu quy định của pháp luật về hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Nhưng có thắc mắc tôi muốn nhờ Ban biên tập giải đáp và cung cấp thông tin giúp, cụ thể là việc báo cáo kết quả cuộc thanh tra đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được quy định như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu vấn đề này tại văn bản pháp luật nào?
Báo cáo kết quả cuộc thanh tra đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được quy định tại Điều 36 Quyết định 1518/QĐ-BHXH năm 2016 quy định hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và hoạt động kiểm tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cụ thể như sau:
- Chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc tiến hành thanh tra tại nơi được thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản (Mẫu số 02/BC-TT) với Trưởng đoàn thanh tra về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, khách quan, trung thực về nội dung báo cáo. Trường hợp nhận thấy nội dung Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của thành viên Đoàn thanh tra chưa đầy đủ, chưa chính xác, chưa rõ thì Trưởng đoàn thanh tra yêu cầu thành viên Đoàn thanh tra báo cáo bổ sung, làm rõ.
- Chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc thanh tra, Trưởng đoàn căn cứ báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của các thành viên và kết quả nghiên cứu hồ sơ, tài liệu có trách nhiệm xây dựng và báo cáo kết quả thanh tra (trừ trường hợp nội dung kết luận thanh tra phải chờ kết luận về chuyên môn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền) trình người ra quyết định thanh tra (Mẫu số 03/BC-TT). Nội dung báo cáo kết quả thanh tra: Nêu những vấn đề về thực trạng, kết quả thanh tra, ưu điểm, tồn tại hạn chế và nhận xét, đánh giá cụ thể theo từng nội dung thanh tra; phân tích tính chất, mức độ, nguyên nhân vi phạm và trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan; các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đã được áp dụng trong quá trình tiến hành thanh tra; những kiến nghị, đề xuất trong công tác quản lý hoặc điều chỉnh chế độ, chính sách và ý kiến khác nhau giữa thành viên Đoàn thanh tra (nếu có).
- Người ra quyết định thanh tra xem xét các nội dung trong báo cáo kết quả thanh tra, nội dung giải trình của đối tượng thanh tra hoặc ý kiến bảo lưu của thành viên Đoàn thanh tra (nếu có) và các tài liệu có liên quan, để có ý kiến chỉ đạo kết luận thanh tra hoặc lập hồ sơ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Trên đây là nội dung câu trả lời về việc báo cáo kết quả cuộc thanh tra đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quyết định 1518/QĐ-BHXH năm 2016.