Chi tiết 3 dự án cao tốc được thông xe trong tháng 8/2025
Nội dung chính
Chi tiết 3 dự án cao tốc được thông xe trong tháng 8/2025
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng thì trong năm nay có khoảng 889 km đường cao tốc thuộc 17 dự án do Bộ làm chủ đầu tư sẽ được hoàn thành.
Trong 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 (2021–2025) thì đã có một số đoạn hoàn thành và đưa vào khai thác từ dịp lễ 30/4, cụ thể: đoạn Bãi Vọt Hàm Nghi, Hàm Nghi Vũng Áng , Bùng Vạn Ninh cùng với 70 km đoạn Vân Phong Nha Trang.
Tiếp nối quá trình này đến ngày 19/8 sắp tới sẽ có thêm 208 km cao tốc sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng, bao gồm các đoạn Vũng Áng Bùng (dài 55 km), Vạn Ninh Cam Lộ (dài 65 km) và Hòa Liên Túy Loan (dài 11km) đoạn đi trùng với tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận thành phố Đà Nẵng.
Như vậy, 3 dự án cao tốc sẽ được thông xe trong tháng 8/2025 bao gồm đoạn Vũng Áng Bùng, Vạn Ninh Cam Lộ và Hòa Liên Túy Loan. Với tiến độ được duy trì ổn định, húa hẹn trong tương lai sắp tới thì hệ thống giao thông hạ tầng của đất nước sẽ ngày càng hoàn thiện và phát triển.
Chi tiết 3 dự án cao tốc được thông xe trong tháng 8/2025 (Hình từ Internet)
Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu khảo sát xây dựng dự án cao tốc ra sao?
Căn cứ tại Điều 77 Luật Xây dựng 2014 quy định quyền và nghĩa vụ của nhà thầu khảo xát xây dựng như sau:
(1) Nhà thầu khảo sát xây dựng có các quyền sau:
- Yêu cầu chủ đầu tư và các bên có liên quan cung cấp số liệu, thông tin liên quan theo quy định của hợp đồng để thực hiện khảo sát xây dựng;
- Từ chối thực hiện yêu cầu ngoài hợp đồng khảo sát xây dựng;
- Thuê nhà thầu phụ thực hiện khảo sát xây dựng theo quy định của hợp đồng khảo sát xây dựng;
- Các quyền khác theo quy định của hợp đồng và của pháp luật có liên quan.
(2) Nhà thầu khảo sát xây dựng có các nghĩa vụ sau:
- Thực hiện đúng yêu cầu khảo sát xây dựng theo quy định của Luật này và hợp đồng khảo sát xây dựng;
- Đề xuất, bổ sung nhiệm vụ khảo sát xây dựng khi phát hiện yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giải pháp thiết kế;
- Chịu trách nhiệm về kết quả khảo sát xây dựng và chất lượng khảo sát do mình thực hiện; chịu trách nhiệm về quản lý chất lượng khảo sát của nhà thầu phụ (nếu có) và kết quả khảo sát của nhà thầu phụ. Nhà thầu phụ khi tham gia khảo sát xây dựng phải chịu trách nhiệm về kết quả khảo sát trước nhà thầu chính và trước pháp luật;
- Bồi thường thiệt hại khi thực hiện không đúng nhiệm vụ khảo sát, sử dụng thông tin, tài liệu, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về khảo sát xây dựng không phù hợp và vi phạm hợp đồng khảo sát xây dựng;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của hợp đồng và của pháp luật có liên quan.
Đất xây dựng dự án cao tốc thuộc nhóm đất nào?
Căn cứ tại điểm e khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Điều 9. Phân loại đất
[...]
3. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất ở, gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
b) Đất xây dựng trụ sở cơ quan;
c) Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh (sau đây gọi là đất quốc phòng, an ninh);
d) Đất xây dựng công trình sự nghiệp, gồm: đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác hoặc đất xây dựng trụ sở của đơn vị sự nghiệp công lập khác;
đ) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, gồm: đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản;
e) Đất sử dụng vào mục đích công cộng, gồm: đất công trình giao thông; đất công trình thủy lợi; đất công trình cấp nước, thoát nước; đất công trình phòng, chống thiên tai; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên; đất công trình xử lý chất thải; đất công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng; đất công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; đất chợ dân sinh, chợ đầu mối; đất khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng;
g) Đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo (sau đây gọi là đất tôn giáo); đất sử dụng cho hoạt động tín ngưỡng (sau đây gọi là đất tín ngưỡng);
h) Đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt;
i) Đất có mặt nước chuyên dùng;
k) Đất phi nông nghiệp khác.
Ngoài ra còn căn cứ tại điểm a khoản 6 Điều 5 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết loại đất công trình giao thông bao gồm:
- Đường ô tô cao tốc, đường ô tô, đường trong đô thị, đường nông thôn (kể cả đường tránh, đường cứu nạn và đường trên đồng ruộng phục vụ nhu cầu đi lại chung của mọi người),
- Điểm dừng xe, điểm đón trả khách, trạm thu phí giao thông, công trình kho bãi, nhà để xe ô tô, bãi đỗ xe; bến phà, bến xe, trạm thu phí, trạm dừng nghỉ;
- Các loại hình đường sắt, nhà ga đường sắt; đường tàu điện; các loại cầu, hầm phục vụ giao thông; công trình đường thủy nội địa, công trình hàng hải;
- Cảng hàng không, kể cả đất xây dựng trụ sở các cơ quan nhà nước hoạt động thường xuyên và đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không, khu vực cất, hạ cánh và sân đỗ tàu bay; tuyến cáp treo và nhà ga cáp treo;
- Cảng cá, cảng cạn; các công trình trụ sở, văn phòng, cơ sở kinh doanh dịch vụ trong ga, cảng, bến xe; hành lang bảo vệ an toàn công trình giao thông mà phải thu hồi đất để lưu không;
- Các kết cấu khác phục vụ cho hoạt động giao thông vận tải và các công trình, hạng mục công trình khác theo quy định của pháp luật về giao thông vận tải;
Như vậy, đất xây dựng dự án cao tốc thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.