Cầu Tứ Liên dự kiến hoàn thành khi nào?
Nội dung chính
Cầu Tứ Liên dự kiến hoàn thành khi nào?
Cầu Tứ Liên là một trong 18 công trình cầu đường bộ vượt qua sông Hồng thuộc Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu kết nối lưu thông và hạ tầng kinh tế xã hội giữa hai bên sông Hồng của Thủ đô; góp phần tạo đà tăng trưởng hai con số cho những năm tiếp theo của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Dự án chia thành bốn thành phần, gồm ba dự án thành phần giải phóng mặt bằng và một dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn.
Công trình cầu Tứ Liên với thiết kế kiến trúc cầu dây văng hai mặt phẳng dây, chiều dài nhịp chính và chiều cao trụ tháp lớn, sơ đồ dây đan chéo trên một mặt phẳng sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc và sau khi hoàn thành vào năm 2027 sẽ là một trong những công trình cầu biểu tượng của TP Hà Nội.
Đây là công trình cầu vượt sông Hồng đầu tiên khởi công trong năm 2025.
Như vậy, cầu Tứ Liên dự kiến hoàn thành vào năm 2027.
Cầu Tứ Liên dự kiến hoàn thành khi nào? (Hình từ internet)
Quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong khảo sát xây dựng là gì?
Căn cứ theo Điều 76 Luật Xây dựng 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong khảo sát xây dựng như sau:
- Chủ đầu tư có các quyền sau:
+ Thực hiện khảo sát xây dựng khi có đủ điều kiện năng lực
+ Đàm phán, ký kết hợp đồng khảo sát xây dựng; giám sát, yêu cầu nhà thầu khảo sát xây dựng thực hiện đúng hợp đồng ký kết
+ Phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng, phương án kỹ thuật khảo sát do tư vấn thiết kế hoặc do nhà thầu khảo sát lập và giao nhiệm vụ khảo sát cho nhà thầu khảo sát xây dựng
+ Điều chỉnh nhiệm vụ khảo sát xây dựng theo yêu cầu hợp lý của tư vấn thiết kế xây dựng
+ Đình chỉ thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng khảo sát xây dựng theo quy định của pháp luật
+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
- Chủ đầu tư có các nghĩa vụ sau:
+ Lựa chọn nhà thầu khảo sát xây dựng, giám sát khảo sát xây dựng trong trường hợp không tự thực hiện khảo sát xây dựng, giám sát khảo sát xây dựng
+ Cung cấp cho nhà thầu khảo sát xây dựng thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác khảo sát
+ Xác định yêu cầu đối với khảo sát xây dựng và bảo đảm điều kiện cho nhà thầu khảo sát xây dựng thực hiện công việc
+ Thực hiện đúng hợp đồng khảo sát xây dựng đã ký kết
+ Tổ chức giám sát công tác khảo sát xây dựng; nghiệm thu, phê duyệt kết quả khảo sát theo quy định của pháp luật
+ Bồi thường thiệt hại khi cung cấp thông tin, tài liệu không phù hợp, vi phạm hợp đồng khảo sát xây dựng
+ Các nghĩa vụ khác theo quy định của hợp đồng và của pháp luật có liên quan.
Đất tại Hà Nội nằm trong khu vực xây dựng cầu Tứ Liên có bị thu hồi không?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 79 Luật Đất đai 2024 quy định về việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như sau:
Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa trong trường hợp sau đây:
1. Xây dựng công trình giao thông, bao gồm: đường ô tô cao tốc, đường ô tô, đường trong đô thị, đường nông thôn kể cả đường tránh, đường cứu nạn và đường trên đồng ruộng phục vụ nhu cầu đi lại chung của mọi người, điểm dừng xe, điểm đón trả khách, trạm thu phí giao thông, công trình kho bãi, nhà để xe ô tô; bến phà, bến xe, trạm dừng nghỉ; các loại hình đường sắt; nhà ga đường sắt; các loại cầu, hầm phục vụ giao thông; công trình đường thủy nội địa, công trình hàng hải; công trình hàng không; tuyến cáp treo và nhà ga cáp treo; cảng cá, cảng cạn; các công trình trụ sở, văn phòng, cơ sở kinh doanh dịch vụ trong ga, cảng, bến xe; hành lang bảo vệ an toàn công trình giao thông mà phải thu hồi đất để lưu không; các kết cấu khác phục vụ giao thông vận tải;
[...]
Như vậy, đất tại Hà Nội nằm trong khu vực xây dựng cầu Tứ Liên sẽ bị nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.