Những thách thức ngành ngân hàng phải đối mặt trong năm 2025

Năm 2025, ngành ngân hàng phải dồn lực để đạt các mục tiêu quan trọng trong đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025.

Nội dung chính

    Mục tiêu quan trọng của ngành ngân hàng đến hết năm 2025

    Năm 2025, ngành ngân hàng cần tập trung nỗ lực để đạt được các mục tiêu quan trọng trong Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025", được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022. Hai mục tiêu chính được đặt ra bao gồm:

    Một là, tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng lên khoảng 16-17% tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại vào cuối năm 2025.

    Hai là, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu tại VAMC và nợ tiềm ẩn dưới 3%, ngoại trừ các ngân hàng thương mại yếu kém.

    Tuy nhiên, bức tranh kinh doanh năm 2024 đã chỉ ra nhiều thách thức trong việc đạt được các mục tiêu này, đặc biệt là tăng trưởng thu nhập từ dịch vụ và xử lý nợ xấu.

    Những thách thức ngành ngân hàng phải đối mặt trong năm 2025

    Những thách thức ngành ngân hàng phải đối mặt trong năm 2025 (Hình từ Internet)

    Thách thức trong tăng trưởng thu nhập từ dịch vụ ngành ngân hàng

    Trong 9 tháng đầu năm 2024, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng chỉ chiếm khoảng 10% tổng thu nhập, tăng 3,5% so với cuối năm 2023 nhưng vẫn ở mức thấp. Nguyên nhân chính bao gồm:

    - Giảm nhu cầu sử dụng dịch vụ thẻ và thanh toán khi tiêu dùng giảm.

    - Thay đổi cách ghi nhận thu nhập phí ảnh hưởng đến thu nhập từ hoạt động tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế.

    - Hoạt động bán chéo bảo hiểm có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn trên nền thấp sau nhiều quý tăng trưởng âm liên tục.

    Thu nhập ngoài lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 8,6% trong 9 tháng đầu năm 2024, nhưng lại suy giảm trong quý 3 do biến động tỷ giá bất lợi. Đầu tư trái phiếu chính phủ cũng ghi nhận tăng trưởng âm so với năm 2023, do lãi suất trái phiếu đi ngang và thanh khoản dồi dào.

    Giới phân tích kỳ vọng lãi thuần từ dịch vụ có thể tăng trưởng khoảng 10% vào năm 2025, nhờ sự hồi phục của nền kinh tế và các ngân hàng điều chỉnh chiến lược hiệu quả hơn, đặc biệt tại những ngân hàng có thế mạnh bán lẻ và bán chéo sản phẩm.

    Áp lực về xử lý nợ xấu và rủi ro vĩ mô

    Việc xử lý nợ xấu là một trong những thách thức lớn của ngành ngân hàng. Bộ đệm dự phòng của toàn ngành đã thu hẹp đáng kể trong năm 2024, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu trung bình giảm xuống còn 83%, mức thấp nhất trong 5 năm qua. Điều này gây áp lực lớn trong việc trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu. Những rủi ro lớn có thể kể đến như:

    - Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hết hiệu lưc, gây khó khăn trong thu hồi nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm.

    - Rủi ro vĩ mô từ quốc tế bao gồm căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, biến động giá hàng hóa và suy yếu thị trường bất động sản tại Trung Quốc.

    - Các thách thức trong nước như thiếu khung pháp lý hoàn chỉnh, cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư xử lý tài sản bảo đảm, và tác động từ thiên tai, dịch bệnh.

    Các tổ chức tín dụng có bộ đệm dự phòng mạnh, danh mục khách hàng đa dạng và kiểm soát tốt tỷ lệ nợ tái cơ cấu sẽ có lợi thế trong việc ứng phó với các thách thức năm 2025. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, các ngân hàng kiến nghị cần tiếp tục luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14 để hỗ trợ hiệu quả quá trình xử lý nợ xấu.

    62