Thứ 6, Ngày 15/11/2024

Những lỗi cần tránh khi thiết kế giếng trời? Kinh nghiệm thiết kế giếng trời đẹp và phù hợp nhất

Giếng trời là giải pháp thông gió và lấy sáng phổ biến trong thiết kế nhà ống, nhà phố. Tuy nhiên, thiết kế giếng trời sai sẽ dẫn đến nhiều rắc rối cho gia chủ.

Nội dung chính

    Giếng trời là gì?

    Giếng trời là một khoảng không gian được thiết kế theo phương thẳng đứng, thông từ tầng trệt đến mái của nhà ở hoặc tòa nhà cao tầng. Trong xây dựng, giếng trời là giải pháp kiến trúc mang tính kỹ thuật và mỹ thuật cho không gian nhà hiện đại. Giếng trời có chức năng hứng ánh sáng, lấy gió và trao đổi khí giữa bên trong với bên ngoài ngôi nhà, bên cạnh đó, nó còn tạo nên điểm nhấn ấn tượng cho ngôi nhà của bạn.

    Trong nhà ở hoặc công trình xây dựng không bắt buộc phải có giếng trời. Tuy nhiên, trong những ngôi nhà ống mặt tiền nhỏ hẹp, kích thước chiều sâu lớn và đặc biệt là 3 mặt tiền giáp các công trình khác thì việc thiết kế giếng trời sẽ mang lại sức sống, ánh sáng tự nhiên cho không gian nội thất. Bên cạnh đó, lấy gió tự nhiên cũng là một trong những chức năng quan trọng của giếng trời, theo đó, giếng trời giúp quá trình lưu thông trao đổi không khí môi trường bên trong và bên ngoài ngôi nhà diễn ra đều đặn, giúp ngôi nhà thoáng mát hơn, trong lành và dễ chịu hơn.

    Giếng trời là gì (Ảnh từ internet)

    Kinh nghiệm thiết kế giếng trời sao cho đẹp và phù hợp nhất

    Để xây giếng trời, gia chủ nên chú ý một số điều sau:

    - Giếng trời có mái thì phải đảm bảo một giải pháp hợp lý cho hệ thống các khe, ô thoáng để tránh mưa to, gió lớn làm nước mưa rơi xuống nhà.

    - Nếu dưới giếng trời không phải khu vực như vườn cảnh, bể cá mà lại là không gian sinh hoạt, nơi qua lại thì không nên treo đèn, chậu cây cũng như các vật trang trí nặng, to ở phía trên để tránh tình trạng rơi vỡ gây nguy hiểm.

    - Các hệ thống hành lang, cửa sổ, cầu thang tiếp giáp với giếng thì cần có lan can, hoa sắt để đảm bảo một số tiêu chuẩn an toàn như chiều cao, khoảng cách khe hở,…

    - Phải đảm bảo các chức năng của giếng trước khi trang trí để tránh tình trạng không phù hợp với kiến trúc, không gian sinh hoạt và một số vấn đề khác.

    - Nếu ngôi nhà đã đủ lượng ánh sáng tự nhiên cần thiết, trong khi diện tích nhà không lớn thì nên cân nhắc không nên thiết kế giếng trời.

    - Việc trang trí sắp đặt trong nhà không nên quá rườm rà và phức tạp để tránh tình trạng gây rối mắt vì giếng trời đã là một bộ phận tạo điểm nhấn cho căn nhà rồi.

    - Hạn chế tất cả những gì ở giếng trời có thể gây ảnh hưởng đến vai trò chiếu sáng và lưu thông không khí tự nhiên vào nhà.

    Những lỗi cần tránh khi thiết kế giếng trời? Kinh nghiệm thiết kế giếng trời đẹp và phù hợp nhất (Ảnh từ internet)

    Lỗi cần tránh khi thiết kế giếng trời

    1. Chọn sai vật liệu làm kính mái che

    Khi xây giếng trời dạng đóng, mái che ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng ánh sáng vào nhà. Phần mái che mỏng, chất liệu không phù hợp với điều kiện thời tiết sẽ khiến nội thất gần với giếng trời nhanh xuống cấp, bạc màu vì đón nắng trực tiếp. Ngược lại, loại kính mờ, đục sẽ làm tối phòng, gây ngột ngạt.

    Gia chủ nên đầu tư kính an toàn 2 lớp có khả năng cách nhiệt và chống trộm, tuy nhiên chi phí cao hơn các vật liệu khác. Tôn trong suốt cũng được nhiều gia chủ sử dụng vì giá thành hợp lý, độ dày của tôn lấy sáng tối thiểu phải từ 1-2 mm trở lên.

    2. Làm vườn dưới giếng trời

    Trồng cây xanh ở khu vực giếng trời là phương án được các gia chủ Việt rất ưa chuộng. Có những gia chủ không tiếc đầu tư số tiền lớn để thiết kế, trang trí giếng trời với hệ thống tưới cây tự động, thác đổ, trồng cây theo đường ziczac để tạo cảnh quan lạ mắt... Tuy nhiên, sẽ dấn đến trường hợp phần rễ cây phát triển quá tốt khiến gạch ốp bồn cây bị nứt vỡ, chân tường xung quanh vườn ẩm mốc, xuất hiện sâu bọ hoặc giun đất…

    Nếu gia chủ muốn trồng cây xanh, có thể tham khảo chọn trồng cây trong những chậu nhỏ để tăng tính linh hoạt, và có thể dễ dàng thay đổi môi trường sống cho cây. Các loại cây leo như thường xuân, vạn niên thanh hoặc trồng trong chậu với cây hạnh phúc, thiết mộc lan, cây ngũ gia bì cũng là lựa chọn tốt để trồng trong nhà.

    3. Không thiết kế tiêu âm cho tường giếng trời

    Về bản chất, giếng trời là một chiếc ống có tác dụng thông gió, hút sáng. Âm thanh được truyền đi trong nhà có giếng trời cũngsẽ tạo ra hiệu ứng vang và rõ. Để đảm bảo yếu tố thẩm mỹ và riêng tư, các gia chủ nên bổ sung phần “tiêu âm” cho không gian giếng trời, bằng cách thiết kế tường sần nhám, ví dụ: ốp tường bằng gạch thẻ, gạch trần, tường đá tự nhiên…

    4. Sai vị trí và cao độ giếng

    Bản chất giếng trời là một "ô cửa sổ", vì vậy vị trí này sẽ đón sáng, thông gió và lấy mùi từ bên ngoài vào. Khi đặt giếng trời dạng mở (không có mái che) ở khu vực phòng ngủ, vệ sinh, thay đồ... không gian nghỉ ngơi sẽ bị ám mùi từ môi trường bên ngoài.

    Do đó cần xác định hướng nhà, xem xét bối cảnh xung quanh và mục đích sử dụng của giếng trời để tìm được vị trí đặt thích hợp, cần tránh đặt giếng ở những không gian nghỉ ngơi và cách xa nguồn phát ra mùi, khí thải xung quanh.

    Với những nhà xây thấp, những tầng cao hơn của công trình lân cận có thể nhìn vào trong nhà thông qua giếng trời, do đó cần lưu ý điều này để xây giếng có cao độ thích hợp.

    4