Có nên xây phòng thờ riêng hay để chung với phòng khách?
Nội dung chính
Thờ cúng tổ tiên bắt nguồn từ đâu? Thờ cúng tổ tiên có phải là hoạt động tín ngưỡng?
Phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt có nguồn gốc sâu xa từ nền kinh tế nông nghiệp trong xã hội phụ quyền thời xưa. Khi Nho giáo du nhập vào Việt Nam, chữ hiếu được đề cao và trở thành nền tảng triết lý vững chắc cho tục lệ này. Thờ cúng tổ tiên không chỉ thể hiện lòng biết ơn với ông bà, cha mẹ mà còn phản ánh quan niệm đề cao gia đình, gia tộc, và trách nhiệm làm rạng danh dòng họ trong xã hội.
Trải qua thời gian, việc thờ cúng tổ tiên đã trở thành một phong tục không thể thiếu, đây vừa là chuẩn mực đạo đức, vừa là nguyên tắc sống. Đồng thời, nó cũng là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Người Việt vốn trọng lễ nghĩa, đề cao lòng hiếu thảo và luôn hướng về cội nguồn của mình.
Trên bàn thờ tổ tiên, ở chính giữa đặt bát hương (tượng trưng cho tinh tú) và trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng (tượng trưng cho trục vũ trụ); ở hai góc ngoài bao giờ cũng có hai cây đèn (hoặc nến) tượng trưng cho Mặt Trời ở bên trái và Mặt Trăng ở bên phải. Khi cần giao tiếp với tổ tiên (có lúc thỉnh cầu, có khi sám hối…) người ta thường đốt nến (đèn dầu) và thắp hương. Mọi nguyện cầu theo các vòng khói hương chuyển đến ông bà tổ tiên.
Có nên xây phòng thờ riêng hay để chung với phòng khách? (Hình ảnh từ Itnernet)
Thờ cúng tổ tiên có phải là hoạt động tín ngưỡng?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 thì hoạt động tín ngưỡng được hiểu là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.
Do đó, hoạt động thờ cúng tổ tiên được hiểu là hoạt động tín ngưỡng.
Nguyên tắc đặt bàn thờ tổ tiên mà gia chủ nên biết
Trước khi gia chủ lựa chọn vị trí cho bàn thờ, mọi người cần phải nắm kỹ từng nguyên tắc quan trọng trong việc đặt bàn thời, nhằm mang lại hưng thịnh và may mắn. Tưởng chừng như đơn giản, nhưng có rất nhiều người rất là mơ hồ:
- Không được đặt bàn thờ cạnh nơi thiếu sạch sẽ: chắc chắn gia chủ cũng biết những vị trí không nên đặt bàn thờ sẽ là những nơi ô uế và không được sạch sẽ. Lấy ví dụ như: đặt cạnh nhà tắm, phòng bếp, nhà vệ sinh,… Bởi những vị trí này thường có không khí không được trang nghiêm, giống với việc bạn không tôn trọng đến sự hiện diện của những thần linh và ông bà tổ tiên.
- Không nên tự ý thay đổi vị trí của bàn thờ: việc thay đổi vị trí bàn thờ quá nhiều cũng là điều không nên, bởi sẽ phạm phải phong thủy bàn thờ. Làm thế sẽ khiến cho bàn thờ bị động – các thành viên ở trong gia đình sẽ gặp chuyện rắc rối và mọi người không được vui vẻ – hòa thuận. Trong những trường hợp đặc biệt cần phải di chuyển bàn thờ thì cần phải thắp hương xin phép các bề trên.
- Bàn thờ cũng không nên đặt tại những nơi có gió và ánh nắng quá nhiều: Theo như trong yếu tố phong thủy, gió – nắng mặt trời sẽ mang đến rất nhiều dương khí, sẽ không phù hợp với không gian thờ cúng tịnh tâm. Trong trường hợp không đủ ánh sáng thì có thể dùng đến các loại đèn trang trí phòng thờ đẹp với mục đích giữ được sự trang nghiêm.
- Hướng bàn thờ cũng không nên đặt tại những cung xấu: Tương tự với việc lựa chọn hướng kê giường ngủ theo tuổi, hướng đặt bàn thờ theo mệnh của gia chủ cần phải phù hợp với nhau. Có như thế thì con đường sự nghiệp luôn được mở rộng và mang đến nhiều niềm vui, hạnh phúc. Cần phải tránh xa các cung xấu bởi sẽ phạm phải gia đình lục đục – gặp phải thị phi.
Có nên xây phòng thờ riêng hay để chung với phòng khách?
Việc xây phòng thờ riêng hay để chung với phòng khách phụ thuộc vào không gian nhà ở, phong thủy, văn hóa gia đình và nhu cầu sử dụng. Dưới đây là ưu nhược điểm của từng phương án để bạn cân nhắc:
* Xây phòng thờ riêng
- Ưu điểm:
Trang nghiêm, yên tĩnh: Không gian riêng biệt giúp duy trì sự trang trọng, tôn kính.
Hợp phong thủy: Tránh đặt bàn thờ gần các khu vực sinh hoạt ồn ào, giúp gia chủ gặp nhiều may mắn.
Hạn chế ảnh hưởng từ sinh hoạt gia đình: Không bị ảnh hưởng bởi tivi, tiếng nói chuyện, quạt mát,...
- Nhược điểm:
Tốn diện tích: Không phù hợp với nhà nhỏ hoặc căn hộ chung cư.
Chi phí xây dựng cao hơn: Cần thêm diện tích, vật liệu, nội thất cho phòng riêng.
* Đặt bàn thờ trong phòng khách
- Ưu điểm:
Tiết kiệm không gian: Phù hợp với nhà nhỏ, chung cư.
Thuận tiện cho việc thờ cúng: Không cần di chuyển xa, dễ dàng chăm sóc bàn thờ hàng ngày.
Tiết kiệm chi phí: Không cần xây thêm phòng riêng.
- Nhược điểm:
Không gian thờ ít riêng tư: Khó đảm bảo sự trang nghiêm nếu khách đến chơi hoặc gia đình sinh hoạt ồn ào.
Hạn chế phong thủy: Nếu bố trí không khéo, có thể phạm phải những điều kiêng kỵ như đặt bàn thờ dưới gầm cầu thang, gần nhà vệ sinh hoặc đối diện cửa chính.
Như vậy, nếu có đủ diện tích và điều kiện, xây phòng thờ riêng vẫn là lựa chọn tối ưu để đảm bảo sự trang nghiêm và tốt cho phong thủy.
Nếu không gian hạn chế, có thể đặt bàn thờ chung với phòng khách nhưng cần thiết kế hợp lý, tránh những vị trí kiêng kỵ (gần nhà vệ sinh, dưới cầu thang, đối diện cửa chính,...).