Văn bản hợp nhất 41/VBHN-NHNN năm 2016 hợp nhất Thông tư hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu 41/VBHN-NHNN
Ngày ban hành 12/07/2016
Ngày có hiệu lực 12/07/2016
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Nguyễn Đồng Tiến
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/VBHN-NHNN

Hà Nội, ngày 12 tháng 07 năm 2016

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VỀ DỊCH VỤ TRUNG GIAN THANH TOÁN

Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11 tháng 12 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 20/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2012/TT-NHNN ngày 28/12/2012 quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động và Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thanh toán;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.[1]

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Thông tư này hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động cung ứng và sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán.

Điều 2. Các loại dịch vụ trung gian thanh toán

1. Dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử gồm:

a) Dịch vụ chuyển mạch tài chính;

b) Dịch vụ bù trừ điện tử;

c) Dịch vụ cổng thanh toán điện tử.

2. Dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán, gồm:

a) Dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ;

b) Dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử;

c) Dịch vụ Ví điện tử.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Dịch vụ chuyển mạch tài chính là dịch vụ cung ứng hạ tầng kỹ thuật để thực hiện việc kết nối, truyền dẫn và xử lý dữ liệu điện tử để thực hiện các giao dịch thanh toán thông qua ATM, POS, Internet, điện thoại di động và các kênh giao dịch điện tử khác giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và/hoặc giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

2. Dịch vụ bù trừ điện tử là dịch vụ cung ứng hạ tầng kỹ thuật để thực hiện việc tiếp nhận, đối chiếu dữ liệu thanh toán và tính toán kết quả số tiền phải thu, phải trả sau khi bù trừ giữa các bên thành viên tham gia là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện việc quyết toán cho các bên có liên quan.

3. Dịch vụ cổng thanh toán điện tử là dịch vụ cung ứng hạ tầng kỹ thuật để thực hiện việc kết nối giữa các đơn vị chấp nhận thanh toán và ngân hàng nhằm hỗ trợ khách hàng thực hiện thanh toán trong giao dịch thương mại điện tử, thanh toán hóa đơn điện tử và các dịch vụ thanh toán điện tử khác.

[...]