Văn bản hợp nhất 3197/VBHN-BVHTTDL năm 2013 hợp nhất Nghị định về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Số hiệu 3197/VBHN-BVHTTDL
Ngày ban hành 03/09/2013
Ngày có hiệu lực 03/09/2013
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
Người ký Hoàng Tuấn Anh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3197/VBHN-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 03 tháng 09 năm 2013

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ DI SẢN VĂN HÓA DƯỚI NƯỚC

Nghị định số 86/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 8 năm 2005, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Nghị định số 01/2012/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27 tháng 02 năm 2012.

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin,1

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định các hoạt động quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước, bao gồm di sản văn hóa ở vùng nước nội địa, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, công dân (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, cá nhân) và mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước trong việc quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ di sản văn hóa dưới nước trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Di sản văn hóa dưới nước

1. Di sản văn hóa dưới nước là di sản văn hóa vật thể đang ở dưới nước có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học bao gồm: các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; các di tích, công trình xây dựng, địa điểm; di tích cổ nhân, cổ sinh vật có liên quan đến nguồn gốc của loài người, đã được con người sử dụng cùng với hiện trường tự nhiên và khảo cổ học xung quanh chúng.

2. Các đường ống, cống ngầm, cáp đặt, các thiết bị và công trình ngầm khác đang được sử dụng phục vụ cho đời sống của con người đặt ở dưới nước không được coi là di sản văn hóa dưới nước.

Điều 4. Nguyên tắc xác định sở hữu di sản văn hóa dưới nước

Việc xác định sở hữu di sản văn hóa dưới nước theo nguyên tắc sau:

1. Mọi di sản văn hóa dưới nước có nguồn gốc khác nhau tồn tại trong vùng nước nội địa, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đều thuộc sở hữu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Việc xác định quyền sở hữu đối với di sản văn hóa dưới nước có nguồn gốc Việt Nam nằm ngoài các vùng quy định tại khoản 1 Điều này thì căn cứ vào quy định của Luật Di sản văn hóa và các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Điều 5. Các hình thức sở hữu và sử dụng di sản văn hóa dưới nước

1. Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa dưới nước thuộc sở hữu toàn dân; công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác về di sản văn hóa dưới nước theo quy định của pháp luật.

2. Việc sử dụng di sản văn hóa dưới nước được thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Điều 6. Chính sách của Nhà nước đối với việc quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước

1. Động viên, khích lệ kịp thời việc nghiên cứu áp dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước.

2. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia nghiên cứu, điều tra, thăm dò, khai quật và bảo quản di sản văn hóa dưới nước theo quy định của pháp luật.

3. Xây dựng và phát triển ngành khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam; xây dựng bảo tàng giới thiệu di sản văn hóa dưới nước.

[...]