Văn bản hợp nhất 26/VBHN-BTC năm 2020 hợp nhất Thông tư hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 26/VBHN-BTC
Ngày ban hành 23/06/2020
Ngày có hiệu lực 23/06/2020
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Huỳnh Quang Hải
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/VBHN-BTC

Hà Nội, ngày 23 tháng 6 năm 2020

 

THÔNG TƯ[1]

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM

Thông tư số 111/2007/TT-BTC ngày 12 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 10 năm 2007, được sửa đổi, bổ sung bởi:

1. Thông tư số 67/2016/TT-BTC ngày 29 tháng 4 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 111/2007/TT-BTC ngày 12 tháng 9 năm 2007 hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 6 năm 2016.

2. Thông tư số 26/2020/TT-BTC ngày 14 tháng 4 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 111/2007/TT-BTC ngày 12 tháng 9 năm 2007 hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Thông tư số 67/2016/TT-BTC ngày 29 tháng 4 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 111/2007/TT-BTC ngày 12 tháng 9 năm 2007 hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29 tháng 5 năm 2020.

Thực hiện Quyết định số 44/2007/QĐ-TTg ngày 30/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (sau đây viết tắt là Ngân hàng Phát triển), Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể như sau:[2]

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này áp dụng đối với hoạt động quản lý tài chính của hệ thống Ngân hàng Phát triển.

2. Ngân hàng Phát triển được Nhà nước cấp vốn điều lệ, vốn thực hiện nhiệm vụ tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu và các mục tiêu, chương trình của Chính phủ; được huy động các nguồn vốn trung và dài hạn, tiếp nhận và quản lý các nguồn vốn của Nhà nước để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

3. Khi thực hiện nhiệm vụ tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, Ngân hàng Phát triển được Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý.

4. Ngân hàng Phát triển được Chính phủ đảm bảo khả năng thanh toán; có trách nhiệm bảo đảm hoàn vốn và bù đắp chi phí; được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách Nhà nước đối với hoạt động tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, các hoạt động khác phải nộp thuế theo quy định của pháp luật.

5. Ngân hàng Phát triển hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0% (không phần trăm), không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.

6. Ngân hàng Phát triển là đơn vị hạch toán tập trung toàn hệ thống; được sử dụng các khoản thu nhập để trang trải các chi phí trong quá trình hoạt động; phân phối chênh lệch thu chi tài chính theo hướng dẫn tại Thông tư này.

7. Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển chịu trách nhiệm trước Pháp luật và các cơ quan quản lý Nhà nước về việc quản lý an toàn, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả các nguồn vốn và tài sản, chấp hành chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán.

8. Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài chính, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chế độ tài chính của Ngân hàng Phát triển.

II. QUY ĐỊNH VỀ VỐN, QUỸ VÀ TÀI SẢN

1. Vốn hoạt động của Ngân hàng Phát triển gồm:

1.1. Vốn chủ sở hữu:

a) Vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển;

b) Chênh lệch do đánh giá lại tài sản, chênh lệch tỷ giá;

c) Các quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển.

1.2. Vốn huy động:

a) Phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu của Ngân hàng Phát triển và kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi theo quy định của pháp luật;

b) Vay của Công ty dịch vụ tiết kiệm bưu điện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước;

c) Vay các tổ chức tài chính, tín dụng nước ngoài.

1.3. Các khoản vốn khác gồm:

a) Vốn ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ sau đầu tư;

b) Vốn ODA vay trực tiếp và vốn ODA được Bộ Tài chính ủy quyền thực hiện cho vay lại;

[...]