Văn bản hợp nhất 24/VBHN-NHNN năm 2023 hợp nhất Thông tư hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu 24/VBHN-NHNN
Ngày ban hành 17/11/2023
Ngày có hiệu lực 17/11/2023
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Người ký Đoàn Thái Sơn
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/VBHN-NHNN

Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2023

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ DỰ TRỮ NGOẠI HỐI NHÀ NƯỚC

Thông tư số 01/2014/TT-NHNN ngày 10 tháng 12 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi:

1. Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2014/TT-NHNN ngày 10 tháng 12 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 02 năm 2021.

2. Thông tư số 12/2023/TT-NHNN ngày 12 tháng 10 năm 2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc triển khai nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 11 năm 2023.

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 ngày 13 tháng 12 năm 2005 và Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH13 ngày 18 tháng 3 năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11;

Căn cứ Nghị định số 50/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước1,2.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) quy định tại Nghị định số 50/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ bao gồm:

a) Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước chính thức (sau đây gọi là dự trữ ngoại hối chính thức);

b) Quản lý tiền gửi ngoại tệ và vàng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng), Kho bạc Nhà nước gửi tại Ngân hàng Nhà nước và các nguồn ngoại hối khác;

c) Chế độ hạch toán, báo cáo, công bố và cung cấp thông tin liên quan đến dự trữ ngoại hối nhà nước.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Ban điều hành quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước (sau đây gọi là Ban điều hành);

b) 3 Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước bao gồm: Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, Vụ Quản lý ngoại hối, Sở Giao dịch, Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Kiểm toán nội bộ, Vụ Tài chính - Kế toán, Vụ Dự báo, thống kê, Vụ Pháp chế, Cục Phát hành và Kho quỹ, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Truyền thông.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Thu nhập từ đầu tư dự trữ ngoại hối chính thức là các khoản lãi, lợi nhuận phát sinh từ việc gửi ngoại tệ và vàng ở nước ngoài; mua, bán ngoại tệ và vàng ở nước ngoài; mua, bán, nắm giữ chứng khoán và các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ; ủy thác đầu tư và các hình thức đầu tư khác trên thị trường quốc tế theo Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (sau đây gọi là Thống đốc).

2. Chi phí đầu tư dự trữ ngoại hối chính thức là các khoản chi phí để mở và duy trì tài khoản các loại ngoại tệ và vàng tại các đối tác nước ngoài, phí môi giới, phí ủy thác đầu tư và các chi phí khác phát sinh trong quá trình đầu tư dự trữ ngoại hối chính thức trên thị trường quốc tế.

3. Vàng do Ngân hàng Nhà nước quản lý bao gồm:

a) Vàng tiêu chuẩn quốc tế là vàng đạt tiêu chuẩn 99,99% có dấu kiểm định chất lượng, trọng lượng và có mác hiệu của nhà sản xuất vàng được chứng nhận bởi Hiệp hội Thị trường vàng London (LBMA);

b) Vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và mã ký hiệu của doanh nghiệp hoặc tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ;

[...]