Thứ 5, Ngày 31/10/2024

Văn bản hợp nhất 08/VBHN-BTC năm 2022 hợp nhất Quyết định về tín dụng đối với học sinh, sinh viên do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 08/VBHN-BTC
Ngày ban hành 22/04/2022
Ngày có hiệu lực 22/04/2022
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Đức Chi
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Giáo dục

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/VBHN-BTC

Hà Nội, ngày 22 tháng 04 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH [1]

VỀ TÍN DỤNG ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN

Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 09 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2007; được sửa đổi, bổ sung bởi:

Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg ngày 23 tháng 03 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 09 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; có hiệu lực kể từ ngày 19 tháng 05 năm 2022.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,[2]

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên được áp dụng để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn góp phần trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của học sinh, sinh viên trong thời gian theo học tại trường bao gồm: tiền học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn, ở, đi lại.

Điều 2. Đối tượng được vay vốn

Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm:

1. Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động.

2.[3] Học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng:

a) Hộ nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật.

b) Hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật.

c) Hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật.

3. Học sinh, sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

Điều 3. Phương thức cho vay

1. Việc cho vay đối với học sinh, sinh viên được thực hiện theo phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình là người trực tiếp vay vốn và có trách nhiệm trả nợ Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động, được trực tiếp vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi nhà trường đóng trụ sở.

2. Giao Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay đối với học sinh, sinh viên.

Điều 4. Điều kiện vay vốn

1. Học sinh, sinh viên đang sinh sống trong hộ gia đình cư trú hợp pháp tại địa phương nơi cho vay có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 Quyết định này.

2. Đối với học sinh, sinh viên năm thứ nhất phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường.

3. Đối với học sinh, sinh viên từ năm thứ hai trở đi phải có xác nhận của nhà trường về việc đang theo học tại trường và không bị xử phạt hành chính trở lên về các hành vi: cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, buôn lậu.

Điều 5. Mức vốn cho vay

1.[4] Mức vay vốn tối đa là 4.000.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên.

[...]