Tờ trình 1346/TTr-BNN-KHCN phê duyệt Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 1346/TTr-BNN-KHCN
Ngày ban hành 18/05/2011
Ngày có hiệu lực 18/05/2011
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1346/TTr-BNN-KHCN

Hà Nội, ngày 18 tháng 05 năm 2011

 

TỜ TRÌNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2011-2015

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Sau khi trao đổi và thống nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin được báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức xây dựng và phê duyệt “Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2015 (sau đây gọi tắt là Chương trình) với các nội dung chính như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

1.1. Sự cần thiết xây dựng Chương trình

Quá trình Đổi mới kinh tế từ năm 1986 đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn. Mặc dù vậy, nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội, môi trường trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân ngày càng đặt ra những thách thức mà nếu không được giải quyết thì nền kinh tế, xã hội Việt Nam không thể tiếp tục phát triển bền vững được.

Trước yêu cầu thực tiễn đó, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ra Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó đã xác định nông thôn mới cần phải: “có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được nâng cao nhanh; nông dân có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới; Nâng cao sức mạnh của hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Từ năm 2007, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã triển khai thí điểm Đề án xây dựng nông thôn mới cấp thôn bản theo phương pháp tiếp cận mới “dựa vào nội lực và do cộng đồng làm chủ”. Đề án thí điểm này được triển khai ở 17 thôn tại 14 tỉnh đại diện cho các vùng kinh tế văn hóa xã hội khác nhau. Qua 2 năm thực hiện, Chương trình thí điểm xây dựng nông thôn mới đã hình thành được 17 mô hình về xây dựng nông thôn mới cấp thôn theo phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng và do cộng đồng làm chủ. Bên cạnh một số thành công đã cho thấy còn nhiều vấn đề phức tạp chưa thành công từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó chủ quan là nhận thức của các ngành, các cấp ở Trung ương và địa phương về xây dựng nông thôn mới còn chưa đầy đủ, chưa đúng với chủ trương của đề án.

Để triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết. Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X đã thành lập Ban chỉ đạo Trung ương để trực tiếp chỉ đạo triển khai Chương trình thí điểm xây dựng nông thôn mới cấp xã trên 11 xã đại diện cho các vùng kinh tế của cả nước theo 19 tiêu chí (quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ). Chương trình thí điểm nhằm 3 mục tiêu:

- Xác định mục tiêu, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách cần thiết;

- Phân công, trách nhiệm rõ ràng cho các cấp trong chỉ đạo XD nông thôn mới.

- Tạo ra một số mô hình thực tế về nông thôn mới để học tập, rút kinh nghiệm.

Sau hơn 2 năm thực hiện, Chương trình thí điểm đã thành công, đạt được một số kết quả quan trọng tạo cơ sở để Chính phủ và các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện các chính sách XD nông thôn mới và để hình thành, phát triển các mô hình nông thôn mới trong những năm tới.

Ngày 04/6/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Mục tiêu chung của chương trình là: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; đồng thời đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Theo đó, đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và đạt 50% vào năm 2020 (trên tổng số 9.121 xã của cả nước).

Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới cần phải giải quyết tiếp tục các vấn đề khó khăn, thách thức sau:

- Còn thiếu cơ sở lý luận cho xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam.

- Mặc dù đã có các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhưng cần làm rõ hơn hình hài của nông thôn Việt Nam trong thập kỷ tới cũng như trong tương lai 20 - 30 năm tới trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

- Hệ thống cơ chế, chính sách còn chưa đồng bộ, chưa phù hợp vói thực tế để huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các thành phần kinh tế, các nhà khoa học và đặc biệt là của người dân với tư cách là chủ thể của nông thôn mới.

- Nguồn vốn xây dựng nông thôn mới; vấn đề xây dựng nông thôn gắn với sản xuất, bảo vệ môi trường, bảo vệ kiến trúc cảnh quan nông thôn, bảo tồn bản sắc văn hóa của từng vùng miền, thậm chí của từng làng xã… đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới, có cơ sở khoa học vững chắc để giải quyết.

- Mâu thuẫn giữa nhu cầu thu hút đầu tư của tư nhân vào khu vực nông nghiệp và nông thôn để thúc đẩy phân bố lao động, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tăng nhanh nông sản hàng hóa chất lượng cao với những cản trở về rủi ro, hiệu quả thấp và những khó khăn khác dẫn tới không hấp dẫn các nhà đầu tư.

- Thách thức về nhu cầu phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, đáp ứng được nhu cầu về chất lượng của thị trường với tình trạng hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp yếu kém và không đồng bộ.

- Nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới và trình độ của người dân còn thấp so với đòi hỏi của một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, bền vững trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và tác động của biến đổi khí hậu.

Để khắc phục những khó khăn, thách thức, đảm bảo thực hiện thắng lợi, bền vững Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 theo Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/6/2010, cần hình thành Chương trình khoa học công nghệ phục vụ trực tiếp, đưa ra các sở khoa học vững chắc phục vụ xây dựng nông thôn mới.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của Chương trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động làm việc và thống nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ về việc tổ chức xây dựng Chương trình để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sớm tổ chức thực hiện. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng tư vấn xây dựng Chương trình, gồm 15 nhà khoa học, quản lý của các Bộ, Ngành liên quan. Trong quá trình xây dựng Chương trình đã lấy ý kiến của các nhà khoa học, quản lý có kinh nghiệm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng thời cũng nhận được ý kiến tham vấn của: đ/c Nguyễn Công Tạn, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; đ/c Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam và một số đ/c trong Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của Trung ương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

1.2. Quan điểm xây dựng Chương trình

- Chương trình bao gồm các nội dung khoa học công nghệ và khoa học xã hội, kinh tế để giải quyết một cách tổng thể những vấn đề đặt ra của nông thôn mới Việt Nam.

- Tiếp cận hệ thống, đồng bộ để bảo đảm những kết quả nghiên cứu góp phần vào giải quyết những yêu cầu thực tế xây dựng nông thôn mới, mang lại hiệu quả thiết thực.

[...]