Thông tư liên tịch 84-TTLB năm 1996 hướng dẫn Quy chế quản lý hoạt động thông tin, báo chí của phóng viên nước ngoài, các cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hoá-Thông tin ban hành

Số hiệu 84-TTLB
Ngày ban hành 31/12/1996
Ngày có hiệu lực 31/12/1996
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Ngoại giao,Bộ Văn hoá-Thông tin
Người ký Lưu Trần Tiêu,Vũ Khoan
Lĩnh vực Quyền dân sự,Văn hóa - Xã hội

BỘ NGOẠI GIAO-BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 84-TTLB

Hà Nội , ngày 31 tháng 12 năm 1996

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ VĂN HOÁ THÔNG TIN - NGOẠI GIAO SỐ 84-TTLB NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN, BÁO CHÍ CỦA PHÓNG VIÊN NƯỚC NGOÀI, CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Căn cứ Nghị định số 67/CP ngày 31/10/1996 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý hoạt động thông tin, báo chí của phóng viên nước ngoài, các cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam;
Liên Bộ Văn hoá - Thông tin và Ngoại giao ra Thông tư hướng dẫn thêm một số điểm cụ thể như sau:

I. CHỨC NĂNG QUẢN LÝ VÀ CẤP PHÉP CỦA BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN VÀ BỘ NGOẠI GIAO

Bộ Văn hoá - Thông tin và Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Chính phủ uỷ nhiệm thực hiện chức năng quản lý và cấp phép cho các hoạt động báo chí nước ngoài tại Việt Nam theo sự phân công sau:

1. Bộ Ngoại giao thực hiện chức năng quản lý và cấp phép đối với các hoạt động báo chí của phóng viên nước ngoài và Văn phòng báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam nêu tại khoản 1, Điều 1 và khoản 1, Điều 2 của Quy chế, phóng viên nước ngoài đi cùng với các Đoàn đại biểu nước ngoài thăm Việt Nam nêu tại khoản 4 và khoản 5, Điều 2 của Quy chế bao gồm các việc:

- Xem xét và cấp phép cho phóng viên nước ngoài vào Việt Nam hoạt động báo chí;

- Xem xét và cấp phép cho các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài mở Văn phòng thường trú tại Việt Nam;

- Quản lý và hướng dẫn hoạt động báo chí và giải quyết các yêu cầu kỹ thuật phục vụ cho hoạt động báo chí của phóng viên nước ngoài và Văn phòng báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam như: thuê người Việt Nam làm nhân viên Văn phòng, xuất nhập các phương tiện kỹ thuật và các sản phẩm báo chí...

Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin trong việc giải quyết các yêu cầu hoạt động thông tin, báo chí của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, các tổ chức quốc tế liên Chính phủ nêu trong khoản 2, Điều 1 và khoản 2, Điều 2 của Quy chế và các hoạt động thông tin, báo chí của các Đoàn đại biểu nước ngoài thăm Việt Nam theo lời mời của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ hoặc Bộ Ngoại giao nêu trong khoản 4, Điều 2 của Quy chế.

2. Bộ Văn hoá - Thông tin thực hiện chức năng quản lý và cấp phép đối với các hoạt động xuất bản, lưu hành bản tin, tài liệu bằng tiếng Việt Nam hay các thứ tiếng khác, họp báo, hội thảo, trưng bày tủ thông tin, chiếu phim, triển lãm, phát biểu hoặc đăng bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam và các hoạt động khác có liên quan đến hoạt động thông tin, báo chí của các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, các tổ chức quốc tế liên Chính phủ tại Việt Nam, các tổ chức phi Chính phủ, kinh tế, văn hoá, khoa học, tư vấn nước ngoài; công ty, xí nghiệp của nước ngoài tại Việt Nam và các hoạt động thông tin báo chí của các Đoàn đại biểu nước ngoài thăm Việt Nam nêu trong khoản 4 và 5, Điều 2 của Quy chế.

II. PHÓNG VIÊN NƯỚC NGOÀI, VĂN PHÒNG BÁO CHÍ NƯỚC NGOÀI THƯỜNG TRÚ TẠI VIỆT NAM

A. PHÓNG VIÊN NƯỚC NGOÀI:

1. Phóng viên nước ngoài nêu trong Quy chế này là những người làm báo chuyên nghiệp đang là phóng viên cho một hãng tin hoặc các loại hình báo nói, báo viết, báo hình, báo ảnh, báo điện tử... hoặc là nhà báo tự do có yêu cầu vào Việt Nam để tiến hành các hoạt động báo chí như quay him, chụp ảnh, thu thập tư liệu, phỏng vấn, ghi âm, ghi hình, đi các địa phương, cơ sở để làm tin, viết bài, làm phóng sự. .. về tình hình và các sự kiện diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Phóng viên nước ngoài vào Việt Nam với các mục đích khác như du lịch, thăm hoặc sống cùng với thân nhân, kinh doanh, trao đổi nghiệp vụ, hợp tác kỹ thuật, làm việc cho các cơ quan báo chí Việt Nam tại Việt Nam... và những người nước ngoài không phải là phóng viên thì không được phép tiến hành các hoạt động báo chí với tư cách phóng viên nước ngoài. Trường hợp đặc biệt phải xin phép và được sự đồng ý của Bộ Ngoại giao.

B. PHÓNG VIÊN NƯỚC NGOÀI HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ NGẮN HẠN TẠI VIỆT NAM:

1. Sơ lược lý lịch của phóng viên nước ngoài muốn (hoặc được các cơ quan tổ chức Việt Nam mời) vào Việt Nam hoạt động báo chí ngắn hạn nêu trong Điều 6 của Quy chế cần nêu rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số hộ chiếu, cơ quan truyền thông đại chúng mà họ là nhân viên.

Trường hợp phóng viên mang hộ chiếu miễn thị thực của nước có ký kết Hiệp định miễn thị thực với Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì không phải làm thủ tục xin cấp thị thực, nhưng vẫn phải làm đơn xin phép hoạt động báo chí như trên.

Nếu yêu cầu hoạt động báo chí được chấp thuận, phóng viên sẽ được Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài cấp thị thực nhập - xuất cảnh (trường hợp cần có thị thực) hoặc được Vụ Thông tin báo chí Bộ Ngoại giao hoặc Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thông báo chấp thuận (trường hợp miễn thị thực). Phóng viên có thể được cấp thị thực nhập - xuất cảnh có giá trị một lần hoặc nhiều lần và có thể được gia hạn theo các quy định của Việt Nam về nhập - xuất cảnh.

2. Cơ quan chuyên trách của Việt Nam hướng dẫn phóng viên nước ngoài vào Việt Nam hoạt động báo chí ngắn hạn nêu trong Điều 7 của Quy chế là một cơ quan được Bộ Ngoại giao chấp nhận. Phóng viên tự chịu mọi chi phí có liên quan đến việc thực hiện chương trình.

C. VĂN PHÒNG BÁO CHÍ, PHÓNG VIÊN NƯỚC NGOÀI THƯỜNG TRÚ:

1. Văn phòng báo chí nước ngoài thường trú là Văn phòng đại diện của các cơ quan thông tấn, báo viết, báo hình nước ngoài được phép đặt trụ sở tại Hà Nội để tiến hành các hoạt động báo chí tại Việt Nam.

2. Phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam là phóng viên làm việc chính thức và thường xuyên tại một Văn phòng báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam.

3. Đơn xin lập Văn phòng báo chí thường trú tại Việt Nam nêu trong Điều 8 của Quy chế gửi đến Vụ Thông tin báo chí Bộ Ngoại giao hoặc qua các Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài. Người đứng đầu cơ quan thông tấn, báo chí liên quan có thể uỷ quyền cho một người có trách nhiệm ký đơn. Vụ Thông tin báo chí Bộ Ngoại giao sẽ có trả lời trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được đơn.

4. Văn phòng báo chí nước ngoài thường trú cần bảo đảm sự hoạt động thường xuyên, liên tục. Nếu Văn phòng không có phóng viên thường trú trong thời gian 180 ngày liên tục thì Giấy phép mở Văn phòng cũng sẽ mặc nhiên mất hiệu lực.

5. Về việc thay thế hoặc thay đổi số lượng phóng viên nêu trong Điều 10 của Quy chế, trường hợp cần có phóng viên thay thế hoặc tăng cường tạm thời cho Văn phòng, Văn phòng cần có đơn xin phép gửi Vụ Thông tin báo chí Bộ Ngoại giao. Vụ Thông tin báo chí Bộ Ngoại giao sẽ xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể.

6. Thẻ phóng viên nước ngoài nêu trong Điều 12 của Quy chế được cấp phù hợp với thời hạn thị thực nhập - xuất cảnh của phóng viên. Phóng viên thường trú được cấp thị thực nhập - xuất cảnh Việt Nam có thời hạn 6 tháng, có giá trị nhiều lần và sẽ được gia hạn nếu phóng viên tiếp tục làm phóng viên thường trú tại Việt Nam. Chậm nhất 15 ngày trước khi thị thực nhập - xuất cảnh hết hạn, phóng viên phải làm thủ tục gia hạn nếu tiếp tục làm phóng viên thường trú tại Việt Nam. Trường hợp bị mất Thẻ phóng viên nước ngoài, phóng viên phải thông báo ngay cho Vụ Thông tin báo chí Bộ Ngoại giao và xin cấp lại Thẻ.

7. Khi thực hiện các hoạt động báo chí như nêu trong Điều 13 của Quy chế, phóng viên phải mang theo Thẻ phóng viên nước ngoài và Giấy phép hoạt động báo chí và xuất trình cho các nhà chức trách khi cần thiết. Khi đến các địa phương ngoài Hà Nội, phóng viên phải tiếp xúc với các cơ quan ngoại vụ địa phương trước khi tiến hành các hoạt động báo chí.

[...]