Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư liên tịch 79/1997/TTLT-BTCCBCP-BKH-BTC-BGDĐT hướng dẫn Quyết định 874/TTg về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước do Ban Tổ Chức,Cán Bộ Chính Phủ - Bộ Kế Hoạch Đầu Tư - Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành

Số hiệu 79-TTLT
Ngày ban hành 19/09/1997
Ngày có hiệu lực 04/10/1997
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ,Bộ Giáo dục và Đào tạo,Bộ Kế hoạch và Đầu tư,Bộ Tài chính
Người ký Đỗ Quang Trung,Nguyễn Sinh Hùng,Trần Hồng Quân,Trần Xuân Giá
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ-BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO-BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 79-TTLT

Hà Nội , ngày 19 tháng 9 năm 1997

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ - BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ - BỘ TÀI CHÍNH - BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 79-TTLT NGÀY 19 THÁNG 9 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 874/TTg NGÀY 20/11/1996 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ VÀ CÔNG CHỨC NHÀ NƯỚC

Thực hiện Điều 8, Quyết định 874/TTg, ngày 20/11/1996 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện Quyết định này như sau:

1. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ VÀ CÔNG CHỨC NHÀ NƯỚC

1.1. Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng:

Quyết định 874/TTg của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước là: "Xây dựng đội ngũ cán bộ và công chức Nhà nước thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, trung thành với chế độ Xã hội chủ nghĩa, tận tuỵ với công vụ, có trình độ quản lý tốt, đáp ứng yêu cầu của việc kiện toàn và nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý Nhà nước". Để thực hiện mục tiêu này, cần bám sát các nội dung cụ thể sau:

- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước nhằm làm cho cán bộ và công chức Nhà nước đạt đủ tiêu chuẩn quy định đối với từng ngạch công chức Nhà nước, từng chức danh cán bộ quản lý, theo "Tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức, viên chức Nhà nước" đã được Nhà nước ban hành.

- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước nhằm làm cho cán bộ và công chức Nhà nước đạt đủ các tiêu chuẩn quy định đối với từng ngạch công chức Nhà nước, từng chức danh cán bộ quản lý, theo "Tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức, viên chức Nhà nước" đã được Nhà nước ban hành.

- Trong giai đoạn hiện nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước hướng vào việc khắc phục kịp thời sự hẫng hụt về trình độ chuyên môn, hạn chế về năng lực quản lý để cán bộ và công chức Nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; tập trung trang bị, bổ sung những kiến thức, kỹ năng cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ, quan lý, nhất là về quản lý hành chính Nhà nước, sát với yêu cầu công việc và tiêu chuẩn cán bộ và công chức Nhà nước, đáp ứng yêu cầu kiện toàn, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý Nhà nước.

1.2. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng:

Đối tượng của công tác đào tạo, bồi dưỡng là cán bộ và công chức Nhà nước, bao gồm: cán bộ do bầu cử; Cán bộ, công chức hành chính; Cán bộ, công chức chuyên môn, nghiệp vụ; Cán bộ kinh tế, quản lý kinh tế và doanh nghiệp; Cán bộ chính quyền cơ sở.

Trước mắt, 2 đối tượng chủ yếu cần được ưu tiên và tập trung đào tạo, bồi dưỡng là:

- Cán bộ, công chức hành chính làm việc trong các cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan Đảng, Đoàn thể, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân các cấp.

- Cán bộ chính quyền cơ sở, bao gồm: Chủ tịch, Phó chủ tịch và uỷ viên Uỷ ban nhân dân; Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân và các chức danh cán bộ nghiệp vụ: văn phòng, tài chính, tư pháp, địa chính, văn hoá - xã hội, v.v... của xã, phường, thị trấn.

Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho 2 đối tượng này là trọng điểm của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước từ nay đến năm 2000. Để thực hiện chỉ tiêu "hàng năm có ít nhất 20% cán bộ, công chức hành chính và cán bộ chính quyền cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng", các Bộ, Ngành, Địa phương tập trung làm tốt việc huấn luyện giáo viên, xây dựng chương trình, giáo trình, tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật và dành phần kinh phí thoả đáng để thực hiện các chương trình trọng điểm này.

2. NỘI DUNG, HÌNH THỨC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ VÀ CÔNG CHỨC NHÀ NƯỚC

2.1. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng:

Quyết định 874/TTg đã xác định nội dung cơ bản của đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước bao gồm: Những kiến thức về lý luận chính trị, quản lý hành chính Nhà nước, quản lý kinh tế, ngoại ngữ, tin học. Khi triển khai thực hiện cần lưu ý:

- Việc quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cần tiến hành kịp thời, thường xuyên trong các khoá đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước.

- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước về ngoại ngữ, được thực hiện theo Chỉ thị số 422/TTg, ngày 15/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên bộ số 171/TTLB ngày 04/11/1994 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ - Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện Chỉ thị nói trên.

- Trong các nội dung đào tạo, bồi dưỡng đã được xác định trong Quyết định 874/TTg, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước về quản lý hành chính, quản lý Nhà nước để đáp ứng yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ hiện nay. Cùng với trang bị, bổ sung những kiến thức lý luận, cần đặc biệt chú trọng khâu thực hành (kỹ năng quản lý, điều hành, phương pháp thực hành công cụ, v.v...) và phổ biến kinh nghiệm quản lý trong, ngoài nước. Kỹ năng thực hành là khâu quan trọng thuộc nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước, cần có một tỷ lệ thích hợp trong cấu trúc chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng khác nhau. 2.2. Các loại hình đào tạo, bồi dưỡng:

Các nội dung trên được triển khai theo các loại hình đào tạo, bồi dưỡng sau:

- Đào tạo, bồi dưỡng để thi tuyển cán bộ và công chức Nhà nước; thi, sát hạch những người được tạm tuyển vào cơ quan Nhà nước trước khi được bổ nhiệm vào một ngạch công chức nhất định, nhằm bổ sung nguồn nhân lực thường xuyên cho các tổ chức và cơ quan Nhà nước, đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn của từng ngạch công chức, chức danh cán bộ quản lý.

- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước để bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý hay ngạch công chức cao hơn.

- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý và các kiến thức bổ trợ khác như ngoại ngữ, tin học v.v... để đáp ứng yêu cầu phát triển liên tục của nhiệm vụ.

Các loại hình đào tạo, bồi dưỡng này được tổ chức thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: tập trung, bán tập trung, tại chức hoặc dưới hình thức kèm cặp tại chỗ (trong quá trình công tác, do các đồng nghiệp có kinh nghiệm và trình độ hướng dẫn).

3. HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ VÀ CÔNG CHỨC NHÀ NƯỚC

- Hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước hiện nay là bộ phận quan trọng của Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước. Các hoạt động hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước phải có kế hoạch, nằm trong quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước nói chung; kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ này được tính chung trong tổng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước. Việc cử cán bộ và công chức Nhà nước đi, bồi dưỡng ở nước ngoài có sử dụng nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước phải được Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ đồng ý.

[...]