Nghị quyết 22/NQ-TW năm 1989 về chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi do Bộ Chính trị ban hành

Số hiệu 22/NQ-TW
Ngày ban hành 27/11/1989
Ngày có hiệu lực 27/11/1989
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Bộ Chính trị
Người ký Nguyễn Văn Linh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ CHÍNH TRỊ
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 22/NQ-TW

Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 1989

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH LỚN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI MIỀN NÚI

PHẦN THỨ NHẤT

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI MIỀN NÚI

Miền núi là địa bàn rộng lớn, chiếm 3/4 diện tích tự nhiên của nước ta, là nơi sinh sống lâu đời của phần lớn các dân tộc thiểu số, có tiềm lực kinh tế to lớn, có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, bao gồm đất, rừng, sinh vật, thủy năng, khoáng sản, cây công nghiệp... với địa thế cao dốc và thảm thực vật lớn, miền núi đóng vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả nước. Nằm dọc biên cương phía bắc và phía tây Tổ quốc, miền núi lại có nhiều cửa ngõ thông thương giữa nước ta với thế giới và các nước trong khu vực cho nên có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng và an ninh.

Trong những năm qua, cơ cấu dân cư ở miền núi có nhiều biến đổi. Trong cộng đồng đó, mỗi dân tộc giữ bản sắc riêng, song tất cả đều có chung truyền thống yêu nước, đoàn kết, trực tiếp tham gia và góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, giữ vững nền độc lập và chủ quyền của đất nước.

Vượt qua những khó khăn, thử thách, đảng bộ và nhân dân các dân tộc ở miền núi không ngừng phấn đấu đã đạt được nhiều tiến bộ trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế, từng bước phát huy các thế mạnh của mình, tạo ra những vùng chuyên canh lớn, làm ra ngày càng nhiều nông sản, lâm sản xuất khẩu, mở mang công nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp.

Ở một số địa phương, bộ mặt nông thôn miền núi có chuyển biến rõ rệt; một số thị trấn, thị xã, điểm công nghiệp lớn đã được hình thành. Nhiều gia đình từ đồng bằng đã định cư trên miền núi, đưa kỹ thuật thâm canh và một số ngành nghề tiểu, thủ công từ miền xuôi lên. Đồng bào miền núi đã từng bước tiếp cận những thành tựu của khoa học, kỹ thuật; một số con em các dân tộc thiểu số đã được đào tạo thành công nhân kỹ thuật, cán bộ khoa học và quản lý.

Tuy nhiên, những tiến bộ đã đạt được nhìn chung còn nhỏ bé so với khả năng cũng như so với yêu cầu phát triển của bản thân miền núi và của cả nước. Nhìn chung, trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi còn rất thấp. Kinh tế hàng hóa chậm phát triển, kinh tế tự nhiên và nửa tự nhiên còn chiếm tỉ trọng không nhỏ. Tình trạng du canh du cư vẫn chưa được khắc phục một cách căn bản. Đời sống của đại bộ phận dân cư miền núi còn nhiều khó khăn, thậm chí có nơi rất khó khăn. Nghèo đói vẫn còn trên diện rộng, sinh hoạt văn hóa thiếu thốn, tỷ lệ số người mù chữ và thất học còn lớn. Một số bệnh dịch chưa bị đẩy lùi một cách căn bản, có nơi, có lúc còn phát triển, gây tử vong cao. Nhiều tiêu cực xã hội phát sinh. Bọn phản động và các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng địa bàn hiểm trở của miền núi để thực hiện âm mưu chống phá cách mạng nước ta về mọi mặt. Các tôn giáo đang phát triển một cách không bình thường ở một số nơi.

Trong thời gian qua, nhiều đơn vị kinh tế quốc doanh, nhất là các đơn vị quốc doanh nông nghiệp, lâm nghiệp đã được thành lập ở địa bàn miền núi, nhưng một số lớn đơn vị quốc doanh năng suất thấp, chất lượng và hiệu quả kém; bao chiếm nhiều đất đai nhưng sử dụng không hết trong khi nhân dân địa phương lại thiếu đất để canh tác, gây ra mâu thuẫn và làm cho đại bộ phận rừng và đất rừng không phát huy được tác dụng. Nạn khai thác bừa bãi và phá rừng diễn ra nghiêm trọng. Việc giao đất, giao rừng cho dân chưa có chính sách hợp lý và còn chậm trễ.

Bên cạnh một số hợp tác xã đạt được những thành tựu và tiến bộ, nhìn chung đại bộ phận các hợp tác xã ở nông thôn miền núi là hình thức, nhất là những hợp tác xã nông nghiệp vùng núi cao. Kinh tế hộ gia đình và các loại hình kinh tế hợp tác ở trình độ phù hợp chưa được chú ý đúng mức. Thương nghiệp nhỏ tương ứng với trình độ sản xuất hàng hóa nhỏ và phân tán bị thu hẹp, có nơi bị xóa bỏ. Việc xây dựng một số vùng kinh tế mới không tính toán đầy đủ hiệu quả kinh tế - xã hội, lại làm theo cách áp đặt, giản đơn, nóng vội.

Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông ở miền núi, nhất là ở các vùng cao, xa xôi, hẻo lánh, còn kém phát triển và bị chia cắt, chưa thành hệ thống thông suốt giữa các vùng, đang kìm hãm việc mở mang giao lưu ở miền núi cũng như giữa miền núi và miền xuôi.

Một số điểm công nghiệp có quy mô tương đối lớn như vùng than, các công trình thủy điện, các cơ sở khai khoáng, cơ khí, hóa chất và phân bón, chế biến lâm sản... hoạt động một cách biệt lập, chưa đóng góp được vai trò trung tâm lôi cuốn cả vùng phát triển.

Tình hình trên đây có nguyên nhân là do những khó khăn của nền kinh tế nói chung và của miền núi nói riêng, nhưng phần quan trọng bắt nguồn từ những khuyết điểm trong chính sách kinh tế - xã hội đối với miền núi và trong việc tổ chức thực hiện các chính sách đó:

1. Chưa nhận thức sâu sắc vị trí quan trọng cũng như những đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội của miền núi; chưa thật sự coi sự nghiệp xây dựng miền núi là bộ phận hữu cơ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chưa gắn bó, liên kết chặt chẽ việc phát triển kinh tế ở miền núi với miền xuôi. Chưa tổ chức nghiên cứu một cách toàn diện, tổng thể các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của miền núi gắn với vấn đề dân tộc trong việc xác định chủ trương, chính sách đối với miền núi. Sử dụng vốn đầu tư chưa đúng, nhất là chưa chú trọng đúng mức đến xây dựng kết cấu hạ tầng của miền núi.

2. Công tác xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền núi có nhiều sai lầm. Chúng ta đã nặng về xây dựng các cơ sở quốc doanh quy mô lớn, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa nông nghiệp một cách máy móc, rập khuôn theo mô hình của đồng bằng, thoát lý trình độ sản xuất và điều kiện xã hội ở miền núi. Cách làm đó đã kìm hãm sản xuất phát triển và gây ra nhiều hậu quả xấu về kinh tế, xã hội và chính trị.

3. Phương thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tại chỗ cũng như chính sách đối với cán bộ người dân tộc thiểu số và cán bộ miền xuôi lên công tác ở miền núi chưa được nghiên cứu đầy đủ, thực hiện lại thiếu nhất quán, tùy tiện, không khuyến khích cán bộ gắn bó lâu dài với miền núi để cống hiến có hiệu quả vào sự nghiệp phát triển miền núi.

4. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương đối với miền núi chưa tương xứng với vị trí chiến lược quan trọng của miền núi; hiệu lực chỉ đạo thấp; các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở còn nhiều biểu hiện thiếu trách nhiệm và quan liêu, khoán trắng, hoặc thụ động, ỷ lại.

Tình hình trên đây đòi hỏi phải khẩn trương xác định những chủ trương, chính sách đúng đắn nhằm phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, xây dựng miền núi vững mạnh toàn diện. Đây vừa là yêu cầu cấp bách của miền núi, vừa là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp lâu dài của đất nước.

PHẦN THỨ HAI

MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH LỚN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI MIỀN NÚI

Để xác định những chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng và các nghị quyết Trung ương tiếp theo, cần thấu suốt một số quan điểm sau đây:

Một là, phát triển kinh tế - xã hội miền núi là một bộ phận hữu cơ của chiến lược phát triển nên kinh tế quốc dân. Một mặt, các địa phương miền núi có trách nhiệm góp phần thực hiện những chủ trương chiến lược phát triển kinh tế, xã hội chung của cả nước. Mặt khác, việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách chung ở miền núi phải tính đầy đủ đến những đặc điểm về tự nhiên, lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán của miền núi nói chung và của riêng từng vùng, từng dân tộc, trong việc này cần đặc biệt nhấn mạnh vai trò năng động, sáng tạo của địa phương và cơ sở.

Hai là, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa miền núi là sự nghiệp chung của nhân dân cả nước, trước hết là sự nghiệp của nhân dân các dân tộc miền núi và đồng bào miền xuôi lên định cư ở miền núi. Khai thác và xây dựng miền núi là vì lợi ích trực tiếp của nhân dân miền núi, đồng thời vì lợi ích chung của cả nước.

Đất đai, tài nguyên miền núi là của chung cả nước, thuộc sở hữu toàn dân. Song, đồng bào miền núi có trách nhiệm và quyền trực tiếp là chủ sử dụng cụ thể đất đai, rừng núi và tài nguyên đó để phát triển kinh tế vì lợi ích của chính mình và vì lợi ích chung của xã hội, vừa trực tiếp tham gia giữ gìn, bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Phải chống tư tưởng chỉ quan tâm khai thác tài nguyên mà coi nhẹ bảo vệ, bồi đắp, tái tạo tài nguyên, làm cho tài nguyên miền núi ngày càng nghèo kiệt, phá hoại môi trường sinh thái, gây hậu quả lâu dài trên nhiều mặt cho cả nước.

Trong việc phát triển kinh tế - xã hội miền núi, phải quán triệt phương châm "Trung ương và địa phương cùng làm, Nhà nước và nhân dân cùng làm", một mặt, phải khắc phục tư tưởng chờ đợi, ỷ lại vào ngân sách Trung ương, xem nhẹ nỗ lực của địa phương; mặt khác, Nhà nước cần cố gắng bố trí vốn đầu tư thích đáng hơn cho miền núi, trước mắt tập trung đầu tư cho phát triển giao thông vận tải, thông tin liên lạc, điện và nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của dân cư. Đồng thời, cần xây dựng những chính sách phù hợp, tạo điều kiện và động viên mạnh mẽ nhân dân miền núi khai thác tiềm năng và thế mạnh của mình, phát triển kinh tế hàng hóa, kinh doanh có hiệu quả, từng bước tự tích lũy để đầu tư xây dựng và phát triển miền núi.

Ba là, nắm vững chủ trương phát triển có kế hoạch nên kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đi lên chủ nghĩa xã hội; điều chỉnh lại quan hệ sản xuất ở miền núi cho phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, thật sự tôn trọng quyền tự quyết định của nhân dân trong việc lựa chọn các hình thức kinh tế và cơ chế quản lý thích hợp, lấy hiệu quả làm tiêu chuẩn hàng đầu, nhất thiết không hình thức, máy móc, rập khuôn, áp đặt.

[...]