Thông tư liên tịch 42/2006/TTLT-BTC-TTCP hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước do Bộ Tài chính - Thanh tra chính phủ ban hành

Số hiệu 42/2006/TTLT-BTC-TTCP
Ngày ban hành 15/05/2006
Ngày có hiệu lực 08/06/2006
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính,Thanh tra Chính phủ
Người ký Đỗ Hoàng Anh Tuấn,Trần Quốc Trượng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH - THANH TRA CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 42/2006/TTLT-BTC-TTCP

Hà Nội, ngày 15  tháng 5  năm 2006

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN LẬP, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN THANH TRA NHÀ NƯỚC

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 41/2005/NĐ-CP ngày 25/03/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra.
Liên tịch Bộ Tài chính - Thanh tra Chính phủ hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước theo Điều 48 Nghị định số 41/2005/NĐ-CP ngày 25/3/2005 của Chính phủ như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng áp dụng:

Thông tư này hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước, bao gồm:

a) Các cơ quan thanh tra được thành lập theo cấp hành chính:

- Thanh tra Chính phủ;

- Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh;

b) Các cơ quan thanh tra được thành lập ở các cơ quan quản lý theo ngành, lĩnh vực:

- Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ;

- Thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực;

- Thanh tra sở.

2. Thông tư này không áp dụng đối với thanh tra Thuế và thanh tra Hải quan. Kinh phí bảo đảm hoạt động của thanh tra Thuế và thanh tra Hải quan được bố trí từ nguồn kinh phí khoán của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan theo Quyết định số 107/2005/QĐ-TTg ngày 16/5/2005của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí hoạt động của Tổng cục Thuế giai đoạn 2005-2007 và Quyết định số 109/2005/QĐ-TTg ngày 16/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí hoạt động của Tổng cục Hải quan  giai đoạn 2005-2007.

3. Kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước thuộc cấp nào quản lý do ngân sách cấp đó bảo đảm và được bổ sung từ các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

4. Các cơ quan thanh tra nhà nước có trách nhiệm sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng đối tượng theo tiêu chuẩn chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, thực hiện báo cáo quyết toán kinh phí đã sử dụng với cơ quan tài chính cùng cấp theo quy định của pháp luật.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Nội dung chi hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước:

a) Các khoản chi thanh toán cho cá nhân: Tiền lương, tiền công, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn), tiền thưởng, phúc lợi tập thể và các khoản thanh toán khác cho cá nhân theo quy định.

b) Chi thanh toán dịch vụ công cộng, chi vật tư văn phòng, thông tin, tuyên truyền, liên lạc, chi phí thuê mướn, chi mua sách báo, tài liệu phục vụ công tác thanh tra.

c) Chi hội nghị, công tác phí trong nước, chi các đoàn đi công tác nước ngoài và đón các đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam, chi tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn.

d) Các khoản chi nghiệp vụ chuyên môn, gồm:

- Chi xăng dầu, tiền công tác phí cho các đoàn thanh tra.

- Chi trưng cầu giám định về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra;

- Chi thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung thanh tra;

- Chi phục vụ công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng ngừa, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý;

- Chi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng ngừa, chống tham nhũng;

[...]