BỘ
KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ XÂY DỰNG-UỶ BAN DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
416/1999/TTLT-BKHĐT-UBDTMN-BTC-BXD
|
Hà
Nội , ngày 29 tháng 4 năm 1999
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ - UỶ BAN DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI - BỘ
TÀI CHÍNH - BỘ XÂY DỰNG SỐ 416/1999/TTLT/BKH-UBDTMN-TC-XD NGÀY 29 THÁNG 4 NĂM
1999 HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG Ở CÁC XÃ ĐẶC BIỆT
KHÓ KHĂN MIỀN NÚI VÀ VÙNG SÂU, VÙNG XA
(Theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg của
Thủ tướng Chính phủ)
Căn cứ Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính
phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt
khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (gọi tắt là Chương trình 135); Quyết định
số 01/1999/QĐ-TTg ngày 04/01/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy
chế hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình 135; Công văn số 234/CP-NN
ngày 09/3/1999 của Chính phủ về ban hành cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng các
công trình thuộc Chương trình 135; Nghị định số 24/1999/NĐ-CP ngày 16/4/1999 về
quy chế tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của
nhân dân để xây dựng CSHT của các xã, thị trấn; tham khảo ý kiến của các địa phương
tại Hội nghị tập huấn Chương trình 135 ngày 27-28/4/1999, Liên bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Tài chính, Xây dựng, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi hướng dẫn cơ chế quản lý đầu
tư và xây dựng công trình hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) như sau:
I. NGUYÊN TẮC CHUNG:
1. Thông tư này áp dụng để quản lý đầu tư và xây dựng công trình hạ tầng
cơ sở ở các xã ĐBKK theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ
tướng Chính phủ.
2. Thông tư này chủ yếu hướng dẫn cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng
công trình hạ tầng tại các xã ĐBKK có quy mô nhỏ, thi công không phức tạp, đòi
hỏi triển khai nhanh, được thực hiện theo cơ chế đặc biệt để phù hợp với khả
năng thực tế của cán bộ và nhân dân các dân tộc tại địa phương thuộc Chương
trình 135.
3. Chương trình 135 được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn nói tại QĐ 135, Chủ
tịch UBND tỉnh có trách nhiệm huy động các nguồn lực tại địa phương gồm vốn, vật
tư, lao động do các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị kinh tế, các tổ chức xã hội
và các tầng lớp dân cư trong tỉnh đóng góp để hỗ trợ đầu tư xây dựng CSHT và
đào tạo cán bộ ở các xã thuộc Chương trình 135 của tỉnh.
4. Các nguồn vốn phải đưa vào kế hoạch để quản lý thống nhất, phải đến
với từng xã, đầu tư đúng mục đích, đúng đối tượng, đảm bảo chất lượng, không để
thất thoát. Đồng thời phải huy động cao nhất nguồn lực của nhân dân trong xã
thuộc chương trình, gắn quyền lợi, trách nhiệm, tình cảm của nhân dân địa
phương vào việc đầu tư, khai thác, sử dụng công trình có hiệu quả lâu dài.
5. Việc phân bổ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước (TW, ĐP) hỗ trợ hàng năm
phải đảm bảo tất cả các xã thuộc chương trình 135 đều được đầu tư, nhưng không
chia đều, tuỳ mức độ yêu cầu, khả năng chuẩn bị đầu tư của từng xã mà bố trí
cho hợp lý. Công trình ghi kế hoạch chỉ nên thực hiện trong một năm, đầu tư cho
công trình nào phải hoàn thành công trình đó mới được khởi công công trình mới.
6. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (CSHT) ở xã ĐBKK cần đạt hai lợi ích:
Xã có công trình để phục vụ nhân dân; Người dân có việc làm, tăng thêm thu nhập
từ lao động xây dựng công trình của xã.
7. Việc lựa chọn công trình đầu tư ở xã phải tiến hành công khai dân chủ,
được HĐND xã quyết định và xác định quy mô, thứ tự ưu tiên đầu tư, khả năng huy
động nguồn lực tại xã để xây dựng.
II. KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ:
Để đảm bảo đầu tư đồng bộ, phù hợp với quy hoạch trước mắt và lâu dài
theo các quy định hiện hành, kế hoạch đầu tư phải dựa trên cơ sở dự án đã được
phê duyệt.
1. Dự án đầu tư và chủ đầu tư dự án:
1.1. Dự án đầu tư: bao gồm các công trình hạ tầng được quy định tại Quyết
định 135. Tuỳ theo điều kiện cụ thể của địa phương mà Chủ tịch UBND tỉnh quyết
định quy mô dự án theo cấp huyện hoặc cấp xã.
- Những năm trước mắt do năng lực cán bộ ở các xã còn nhiều hạn chế,
nên chủ yếu xây dựng dự án theo quy mô cấp huyện.
Dự án quy mô cấp huyện bao gồm các xã thuộc Chương trình 135 trong huyện,
mỗi xã là một dự án thành phần, mỗi dự án thành phần có các công trình đầu tư
như đường giao thông, thuỷ lợi nhỏ, cấp nước sinh hoạt, cấp điện, trường học,
trạm y tế,....
- Đối với các xã có đội ngũ cán bộ năng lực khá, có khả năng tự đảm nhận
được công việc quản lý điều hành thực hiện dự án thì xây dựng dự án quy mô cấp
xã. Việc này do Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Như vậy trong những năm trước mắt các dự án chủ yếu là quy mô cấp huyện,
do đó Thông tư này nhấn mạnh vai trò của cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực
hiện đầu tư CSHT ở các xã ĐBKK.
1.2. Chủ đầu tư dự án: Chủ tịch UBND huyện.
1.3. Ban Quản lý dự án:
Để giúp chủ đầu tư dự án tổ chức thực hiện quản lý, xây dựng các công
trình ở xã, chủ đầu tư dự án lập Ban Quản lý dự án.
- Ban Quản lý dự án gồm Trưởng ban và một số cán bộ chuyên trách. Tùy
tình hình cụ thể của từng địa phương, có thể sử dụng Ban Quản lý công trình
XDCB hoặc Ban Định canh định cư, kinh tế mới của huyện hiện có.
- Ban Quản lý dự án có tư cách pháp nhân, được mở tài khoản tại Kho bạc
Nhà nước huyện và có con dấu riêng.
- Trưởng ban Quản lý dự án do Chủ tịch UBND huyện đề nghị và Chủ tịch
UBND tỉnh quyết định.
- Chủ tịch UBND các xã dự án thành phần là thành viên của Ban Quản lý dự
án.
- Ban Quản lý dự án giúp Chủ đầu tư dự án chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ:
+ Lập dự án đầu tư.
+ Lập báo cáo đầu tư, thiết kế, lập dự toán công trình.
+ Lập kế hoạch sử dụng nguồn lực huy động tại xã, huyện cho công trình.
+ Tổ chức, theo dõi thi công công trình của xã.
+ Quản lý vật tư, tài sản, tiền vốn đầu tư cho công trình.
+ Tổ chức giải ngân từ Kho bạc Nhà nước để thực hiện công trình.
+ Nghiệm thu, quyết toán công trình đúng thời gian quy định.
- Chi phí cho các nhiệm vụ nêu trên do Ngân sách địa phương chi, không
được chi từ nguồn Ngân sách TW đầu tư cho chương trình 135.
2. Xây dựng, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư:
- Nội dung xây dựng dự án quy hoạch CSHT xã ĐBKK thực hiện theo hướng dẫn
của UBDT&MN (kèm theo Thông tư này).
- Dự án đầu tư xây dựng CSHT xã ĐBKK do cơ quan chuyên môn có tư cách
pháp nhân thực hiện. Chủ tịch UBND huyện chọn cơ quan lập dự án và đề nghị Chủ
tịch UBND tỉnh quyết định hoặc Chủ tịch UBND tỉnh chọn các cơ quan chuyên môn giúp
huyện.
- Dự án do Chủ tịch UBND huyện trình, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài
chính Vật giá, Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh có trách nhiệm thẩm định trình Chủ
tịch UBND tỉnh quyết định.
- Dự án sau khi được phê duyệt, UBND tỉnh gửi về thường trực Ban Chỉ đạo
Chương trình 135 TƯ (UBDT&MN) để tổng hợp, thông báo cho các thành viên Ban
Chỉ đạo làm cơ sở bố trí kế hoạch hàng năm và chỉ đạo việc thực hiện.
3. Công tác chuẩn bị đầu tư:
- Công trình được đưa vào kế hoạch chuẩn bị đầu tư phải chọn dựa vào
quy hoạch tổng thể của huyện đã được thông qua và phải căn cứ theo thứ tự ưu
tiên đã sắp xếp trong dự án để triển khai thực hiện.
- Công trình đầu tư tại xã phải thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư gồm
các bước: lập báo cáo đầu tư, thiết kế, dự toán.
- Công tác chuẩn bị đầu tư được thực hiện:
+ Công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, Chủ đầu tư dự án ký hợp
đồng hoặc uỷ quyền cho Trưởng ban Quản lý dự án ký hợp đồng với các cơ quan
chuyên môn, chủ yếu là các Công ty tư vấn của tỉnh lập báo cáo đầu tư, thiết kế,
dự toán, do các Sở chuyên ngành của tỉnh thẩm định, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.
+ Công trình có quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản, lực lượng chuyên môn của
huyện có thể làm được thì Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Chủ tịch UBND huyện quyết
định đầu tư và chỉ đạo thực hiện.
- Dự toán công trình phải làm rõ: phần vật tư, lao động do xã đảm nhận.
- Giá để tính dự toán do Chủ tịch UBND tỉnh quy định thống nhất cho từng
khu vực trong tỉnh.
- Đối với các công trình phòng học, trạm y tế,... nên áp dụng thiết kế
điển hình (thiết kế mẫu) do Chủ tịch UBND tỉnh ban hành cho phù hợp với tập
quán và điều kiện của từng địa phương. Dự toán của công trình này gồm phần thiết
kế điển hình cộng thêm phần móng của công trình tính tại địa điểm cụ thể.
- Kinh phí cho công tác chuẩn bị đầu tư của công trình nào được tính
trong dự toán của công trình đó.
4. Các nguồn vốn đầu tư cho chương trình và nguyên tắc phân bổ:
4.1. Các nguồn vốn đầu tư cho chương trình gồm:
(A). Nguồn lực huy động tại chỗ của nhân dân, chủ yếu là vật tư, lao động.
(B). Nguồn hỗ trợ của các ngành, đơn vị kinh tế, các tổ chức xã hội và
các địa phương khác đóng góp bằng tiền, vật tư, lao động (theo QĐ
135/1998/QĐ-TTg).
a) Nếu hỗ trợ chung cho huyện thì đưa hoà vào nguồn Ngân sách của dự án
để phân bổ cho từng công trình.
b) Nếu hỗ trợ trực tiếp cho xã hoặc công trình cụ thể được đưa thẳng đến
xã, công trình theo đề nghị của nhà tài trợ.
(C). Nguồn vốn Ngân sách Nhà nước, phân ra:
(a). Ngân sách Trung ương (NSTW) đầu tư trực tiếp cho các xã thuộc
Chương trình 135.
(b). Ngân sách Địa phương (NSĐP) đầu tư trực tiếp cho các xã thuộc
Chương trình 135.
(D). Nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
a) Nếu hỗ trợ chung cho huyện thì đưa hoà vào nguồn Ngân sách của dự án
để phân bổ cho từng công trình.
b) Nếu hỗ trợ trực tiếp cho xã hoặc công trình cụ thể bằng tiền hoặc vật
tư được đưa thẳng đến xã, công trình theo đề nghị của nhà tài trợ.
(E). Ngoài ra còn có vốn nguồn NSNN đầu tư qua các Chương trình mục
tiêu Quốc gia và các Chương trình, dự án đầu tư khác được lồng ghép trên địa
bàn.
Như vậy nguồn vốn đầu tư cho dự án xây dựng CSHT xã ĐBKK mà chủ đầu tư
dự án cần và có thể xem xét bố trí kế hoạch bao gồm: A+B (a)+C +D(a).
4.2. Sử dụng nguồn vốn NSTW hỗ trợ:
Nguồn vốn NSTW hỗ trợ chỉ đầu tư cho 6 loại công trình hạ tầng thiết yếu:
đường giao thông, thuỷ lợi nhỏ, cấp nước sinh hoạt, cấp điện - kể cả xây dựng
thủy điện nhỏ, trường học, trạm y tế trong phạm vi một xã. Không sử dụng nguồn
vốn này cho các công trình khác ngoài các đối tượng thiết yếu nói trên. Nguyên
tắc phân bổ được thực hiện như sau:
Cấp Trung ương: Nguồn vốn NSTW hỗ trợ hàng năm được trích lại một phần
kinh phí trên tổng mức, giao cho UBDT&MN để thực hiện các nhiệm vụ sau:
* Mua sắm thiết bị làm đường cho các huyện.
* Chi phí cho hoạt động của Ban Chỉ đạo.
* Điều tra, khảo sát để xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện Chương
trình, đào tạo nguồn nhân lực cho xã, huyện.
Mức kinh phí này do Ban Chỉ đạo Chương trình 135 TW dự kiến theo kế hoạch
năm, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Tổng vốn đầu tư còn lại sau khi đã trừ phần chi nói trên được phân bổ
cho các xã thuộc Chương trình.
Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình 135 của tỉnh và Ban Quản
lý dự án chi theo dự toán được Chủ tịch UBND tỉnh duyệt và tính vào chi Ngân
sách địa phương hàng năm.
5. Xây dựng, tổng hợp, giao và báo cáo kế hoạch hàng năm:
- Quy trình xây dựng tổng hợp và giao kế hoạch cho Chương trình 135 được
tiến hành đồng thời với quy trình lập kế hoạch chung của tỉnh, nhưng phải báo
cáo và giao thành một mục riêng trong kế hoạch hàng năm.
- Hàng năm căn cứ vào sự hướng dẫn lập kế hoạch của cấp trên, các công
trình hạ tầng trong dự án CSHT xã ĐBKK được duyệt, huyện lập báo cáo lên tỉnh;
tỉnh báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình 135 TW để làm căn cứ bố trí vốn hỗ trợ đầu
tư của Nhà nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối vốn NSTW hỗ trợ cho Chương
trình, trình Chính phủ. Sau khi được Quốc hội thông qua dự toán Ngân sách năm kế
hoạch, Ban Chỉ đạo Chương trình 135 TW thông báo nhanh khả năng hỗ trợ đầu tư
bình quân cho một xã trong năm tới. Dựa vào khả năng vốn NSTW hỗ trợ, chủ đầu
tư dự án, Trưởng ban Quản lý dự án tổ chức thảo luận với nhân dân trong xã để lựa
chọn công trình và xác định mức huy động đóng góp của nhân dân trong các xã,
chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khi có kế hoạch thực hiện ngay.
- Giao kế hoạch: Kế hoạch đầu tư CSHT các xã ĐBKK được Thủ tướng Chính
phủ giao thành khoản mục riêng trong kế hoạch chung của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh
phân bổ các nguồn vốn hỗ trợ cho Chương trình 135, các nguồn vốn huy động tại địa
phương và lồng ghép các chương trình Quốc gia cho từng dự án. Chủ tịch UBND huyện
dựa vào kế hoạch được tỉnh giao kết hợp với các nguồn lực huy động tại huyện
phân bổ cụ thể cho từng công trình.
- Chủ đầu tư dự án, Ban Quản lý dự án, Ban chỉ đạo Chương trình tỉnh thực
hiện chế độ báo cáo định kỳ (quý, 6 tháng, 9 tháng, cả năm) cho Thường trực Ban
Chỉ đạo Chương trình 135 TW. Nội dung báo cáo cần thể hiện được khối lượng công
việc được giao trong kế hoạch năm, kết quả thực hiện bao gồm khối lượng, chất
lượng, tiến độ, huy động các nguồn lực đầu tư, công trình hoàn thành,...
6. Thực hiện đầu tư:
- Ban Quản lý dự án lập kế hoạch triển khai xây dựng công trình ở các
xã, trình Chủ tịch UBND huyện quyết định. Việc tổ chức thi công được quy định
như sau:
- Công trình do xã tự tổ chức thi công thì Ban Quản lý dự án hướng dẫn.
- Công trình xã không tự làm được thì chia thành 2 mức
như sau:
+ Công trình có mức vốn đầu tư do Ngân sách TW hỗ trợ trên 500 triệu đồng
thực hiện theo cơ chế hiện hành.
+ Công trình có mức vốn đầu tư do ngân sách TW hỗ trợ từ 500 triệu đồng
trở xuống do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định chỉ định thầu hoặc xác định mức vốn
để uỷ quyền cho Chủ tịch UBND huyện chỉ định thầu.
- Chủ đầu tư dự án phối hợp và tạo điều kiện để các lực lượng lao động
khác như bộ đội biên phòng, bộ đội đóng quân tại địa bàn, các đơn vị thanh niên
tình nguyện,... được tham gia xây dựng công trình hạ tầng và phát triển kinh tế,
văn hoá ở các xã ĐBKK.
Việc lựa chọn đơn vị thi công cần ưu tiên cho các đơn vị sử dụng tối đa
lao động tại địa phương.
7. Nghiệm thu, bàn giao công trình đưa vào sử dụng:
Khi công trình hoàn thành, các bên thực hiện nghiệm thu công trình.
Thành phần nghiệm thu gồm: Chủ đầu tư dự án, Trưởng ban Quản lý dự án, các đơn
vị thiết kế, xây dựng, đại diện Ban Giám sát của xã.
Sau khi hoàn thành nghiệm thu công trình, Ban Quản lý dự án tiến hành
bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu về các vấn đề có liên quan đến công trình cho
Chủ tịch UBND xã. Văn bản bàn giao phải theo đúng quy định hiện hành.
* Riêng kế hoạch năm 1999:
1. Chủ đầu tư dự án phải tiến hành lập quy hoạch xây dựng CSHT ở các xã
ĐBKK thuộc Chương trình 135 và hoàn thành ngay trong kế hoạch năm 1999 để làm
cơ sở cho kế hoạch đầu tư năm 2000 và các năm sau.
2. Chủ tịch UBND huyện đề nghị Trưởng ban Quản lý dự án để Chủ tịch
UBND tỉnh ra quyết định.
3. Vì năm 1999 chưa có dự án quy hoạch nên trên cơ sở tổng hợp các nhu
cầu đầu tư của các xã, tỉnh quyết định các danh mục công trình, thông báo mức vốn
cho huyện để huyện chủ động bố trí cho từng công trình.
4. Phân bổ và giao chỉ tiêu kế hoạch vốn đầu tư thuộc Ngân sách TW năm
1999 hỗ trợ cho từng xã, bảo đảm mỗi xã thuộc chương trình được đầu tư ít nhất
200 triệu đồng (theo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc
họp Ban Chỉ đạo Chương trình ngày 30/9/1998) và hoàn thành ít nhất một công
trình trong năm.
5. Chủ tịch UBND xã tổ chức họp dân, phổ biến nội dung chương trình, mức
vốn hỗ trợ, hướng đầu tư để nhân dân tham gia.
6. Xây dựng báo cáo đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công và lập dự toán
công trình (được tiến hành một bước) đã được lựa chọn trình cấp có thẩm quyền
phê duyệt để triển khai thực hiện.
7. Đối với công trình do xã tự làm, Ban Quản lý dự án chỉ đạo, tổ chức
lực lượng thi công, chủ yếu sử dụng lao động trong xã, đồng thời phối hợp với bộ
đội và các lực lượng lao động khác hiện có trên địa bàn để cùng thực hiện, nhằm
hỗ trợ kỹ thuật và đẩy nhanh tiến độ thi công.
Đối với công trình xã không tự làm được thì thực hiện theo mục 6, phần
II của Thông tư này nhưng vẫn phải ưu tiên sử dụng lao động tại địa phương.
8. Công trình đầu tư năm 1999 nếu không hoàn thành kế hoạch trong năm
thì được phép thi công đến hết quý I năm 2000 và phải cấp phát, thanh toán xong
trong tháng 4 năm 2000.
III. CƠ CHẾ CẤP PHÁT, THANH QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ:
1. Quản lý vốn đầu tư xây dựng CSHT:
- Tất cả các nguồn vốn đầu tư cho Chương trình 135 đều phải được quản
lý tập trung thống nhất qua Kho bạc Nhà nước để cấp phát cho từng công trình
theo dự án đã được duyệt.
Kho bạc Nhà nước huyện trực tiếp cấp phát vốn cho các chủ đầu tư dự án.
- Ban Quản lý dự án mở tài khoản tại kho bạc Nhà nước huyện nơi giao dịch
để theo dõi quản lý vốn đầu tư cho từng công trình, dự án theo chế độ quản lý
tài chính hiện hành.
- Vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng CSHT cho các xã thuộc Chương trình 135
không được dùng vào việc khác.
2. Cơ chế cấp phát, thanh, quyết toán công trình:
Việc cấp phát, thanh, quyết toán công trình đầu tư CSHT cho các xã ĐBKK
được phân làm 2 loại:
- Đối với những công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp như quy định
ở mục 3, phần II thực hiện cấp phát, thanh, quyết toán theo chế độ quản lý vốn
đầu tư hiện hành.
- Các công trình có quy mô nhỏ, yêu cầu kỹ thuật đơn giản thực hiện
theo quy định dưới đây:
+ Điều kiện cấp phát vốn: Chủ đầu tư dự án gửi đến Kho bạc Nhà nước huyện
(nơi mở tài khoản) các hồ sơ chủ yếu:
* Dự án và quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm quyền.
* Quyết định bổ nhiệm Trưởng ban Quản lý dự án.
* Kế hoạch phân bổ vốn, trong đó chi tiết theo nguồn đã được thông báo.
* Các văn bản liên quan khác theo yêu cầu nghiệp vụ của cơ quan cấp
phát nhưng phải bảo đảm đơn giản, dễ thực hiện cho xã.
+ Thực hiện cấp phát và thanh toán:
* Công trình do nhân dân trong xã tự làm được tạm ứng 50% kế hoạch năm
của công trình và thanh toán theo khối lượng hoàn thành được nghiệm thu.
* Công trình do các doanh nghiệp thi công thì thực hiện cấp phát theo
khối lượng hoàn thành được nghiệm thu.
- Tổng số vốn thanh toán không được vượt quá dự toán công trình được
duyệt hoặc chỉ tiêu kế hoạch vốn đã được thông báo.
- Hàng năm Ban Quản lý dự án lập báo cáo quyết toán việc sử dụng vốn cấp
phát gửi cơ quan quản lý cấp trên, đồng gửi Kho bạc Nhà nước huyện để báo cáo với
Kho bạc Nhà nước cấp trên và cơ quan tài chính nơi có chuyển vốn cấp phát.
Kết thúc công trình các Ban Quản lý dự án lập báo cáo quyết toán gửi
Ban Chỉ đạo Chương trình 135 của tỉnh. Ban chỉ đạo Chương trình 135 của tỉnh chủ
trì phối hợp với các cơ quan liên quan như Sở Tài chính Vật giá, Kho bạc Nhà nước
tỉnh xem xét, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh duyệt quyết toán dự án và báo cáo Thường
trực Ban Chỉ đạo Chương trình 135 TW.
- Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các sở, ngành chức năng của
tỉnh kiểm tra việc chấp hành quy định quản lý đầu tư và xây dựng, cấp phát,
thanh quyết toán những công trình xây dựng CSHT ở các xã.
3. Báo cáo và quyết toán tài chính hàng năm:
- Theo định kỳ hàng quý, Ban Quản lý dự án, Kho bạc Nhà nước huyện, thực
hiện báo cáo tài chính cho hệ thống quản lý ngành dọc của mình và cho các cơ
quan tổng hợp liên quan của tỉnh về kết quả cấp phát vốn đầu tư xây dựng các
công trình hạ tầng tại xã.
- Hết năm kế hoạch, Ban Quản lý dự án báo cáo tài chính (gồm quyết toán
năm và quyết toán công trình hoàn thành) theo quy định hiện hành.
Các báo cáo được gửi về Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 135
(UBNT&MN) để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết về cấp phát và quyết toán
vốn đầu tư các dự án thuộc Chương trình 135.
IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:
- Căn cứ Thông tư này Chủ tịch UBND tỉnh có kế hoạch chi tiết, xây dựng
cơ chế, chính sách cho phù hợp với đặc điểm và hoàn cảnh của địa phương mình nhằm
huy động cao nhất mọi nguồn lực của địa phương để thực hiện có hiệu quả Chương
trình 135.
- Các ngành, các cấp theo chức năng của mình có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm
tra, giám sát, đôn đốc thực hiện đúng Thông tư liên tịch này.
- Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành. Trong quá
trình thực hiện có những vấn đề chưa phù hợp, đề nghị phản ánh về Thường trực
Ban Chỉ đạo Chương trình 135 (UBDT&MN) để nghiên cứu, bổ sung.
Nguyễn
Văn Liên
(Đã
ký)
|
Trần
Lưu Hải
(Đã
ký)
|
Nguyễn
Xuân Thảo
(Đã
ký)
|
Tào
Hữu Phùng
(Đã
ký)
|