Thông tư liên tịch 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn xử lý vi phạm về kinh doanh rượu nhập lậu, sản phẩm thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá nhập lậu do Bộ trưởng Bộ Công Thương - Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Bộ Y tế, Chánh án Toà án nhân dân tối cao - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 36/2012/TTLT/BCT-BCA-BTP-BYT-VKSNDTC-TANDTC
Ngày ban hành 07/12/2012
Ngày có hiệu lực 22/01/2013
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công An,Bộ Công thương,Bộ Tư pháp,Bộ Y tế,Tòa án nhân dân tối cao,Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Đặng Quang Phương,Hoàng Thế Liên,Nguyễn Cẩm Tú,Nguyễn Thị Xuyên,Hoàng Nghĩa Mai,Phạm Quý Ngọ
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu,Vi phạm hành chính

BỘ CÔNG THƯƠNG - BỘ CÔNG AN - BỘ TƯ PHÁP - BỘ Y TẾ – TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC

Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 2012

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN XỬ LÝ VI PHẠM VỀ KINH DOANH RƯỢU NHẬP LẬU, SẢN PHẨM THUỐC LÁ VÀ NGUYÊN LIỆU THUỐC LÁ NHẬP LẬU

Căn cứ Bộ luật Hình sự năm 1999; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2009;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002; Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, Nghị định số 112/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại;

Căn cứ Nghị định số 06/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá;

Căn cứ Nghị định số 76/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 Sửa đổi, bổ sung Điều 11 Nghị định số 06/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá;

Căn cứ Nghị định số 40/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu;

Căn cứ Nghị định số 119/2007/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh thuốc lá;

Căn cứ Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện; Nghị định số 43/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh của Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện;

Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Y tế, Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn xử lý vi phạm về kinh doanh rượu nhập lậu, sản phẩm thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá nhập lậu như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn xử lý vi phạm về kinh doanh rượu nhập lậu, sản phẩm thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá nhập lậu; xử lý tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh rượu nhập lậu, sản phẩm thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá nhập lậu.

2. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư liên tịch này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Kinh doanh rượu nhập lậu, sản phẩm thuốc lá nhập lậu, nguyên liệu thuốc lá nhập lậu là việc thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, mua, bán buôn, bán lẻ, trưng bày, chào bán trên mạng internet, trao đổi hàng hóa, vận chuyển, chở thuê, giao, nhận, mang, vác, tàng trữ, chứa chấp, cho thuê hay mượn kho, cho thuê hay mượn địa điểm để chứa rượu nhập lậu, sản phẩm thuốc lá nhập lậu, nguyên liệu thuốc lá nhập lậu.

2. Rượu nhập lậu là rượu thành phẩm, rượu bán thành phẩm có nguồn gốc sản xuất từ nước ngoài, không có đủ hoá đơn chứng từ theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA ngày 12 tháng 5 năm 2011 của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Công an hướng dẫn về chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BCT-BTC-BCA).

3. Sản phẩm thuốc lá nhập lậu là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hay một phần nguyên liệu thuốc lá và được chế biến dưới dạng thuốc điếu, xì gà, thuốc lá sợi dùng để hút tẩu và các dạng sản phẩm khác dùng để hút, nhai, ngửi có nguồn gốc sản xuất từ nước ngoài, không có đủ hoá đơn chứng từ theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BCT-BTC-BCA.

4. Nguyên liệu thuốc lá nhập lậu là thuốc lá dưới dạng lá rời, lá đã sơ chế tách cọng hoặc thuốc lá sợi, thuốc lá tấm, cọng thuốc lá và các chế phẩm thay thế khác dùng để sản xuất ra các sản phẩm thuốc lá có nguồn gốc từ nước ngoài, không có đủ hoá đơn chứng từ theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BCT-BTC-BCA.

5. Đơn vị sản phẩm là chai, bình, lọ, thùng, hộp, bịch, túi và các vật dụng khác chứa đựng rượu nhập lậu.

Điều 4. Xử lý vi phạm về kinh doanh rượu nhập lậu

1. Đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 8, khoản 9 Điều 11a Nghị định số 06/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 76/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 (gọi tắt là Nghị định số 06/2009/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung), trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện dấu hiệu tội phạm, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phát hiện hoặc thụ lý vụ vi phạm phải chuyển giao toàn bộ hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự .

[...]