Thông tư liên tịch 24/2011/TTLT-BTP-BQP hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp - Bộ Quốc phòng ban hành

Số hiệu 24/2011/TTLT-BTP-BQP
Ngày ban hành 15/12/2011
Ngày có hiệu lực 30/01/2012
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Quốc phòng,Bộ Tư pháp
Người ký Nguyễn Đức Chính,Nguyễn Thành Cung
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TƯ PHÁP - BỘ QUỐC PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2011/TTLT-BTP-BQP

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2011

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC TRONG HOẠT ĐỘNG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Căn cứ Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Thi hành án dân sự ngày 28 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước,

Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng thống nhất hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này hướng dẫn việc thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong thi hành án dân sự về: xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; xác định thiệt hại được bồi thường và trách nhiệm báo cáo về việc giải quyết bồi thường.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư liên tịch này được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân bị thiệt hại; cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 4, Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sau đây gọi chung là Nghị định số 16/2010/NĐ-CP), cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bồi thường nhà nước.

Chương 2.

XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC TRONG HOẠT ĐỘNG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Điều 3. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự

1. Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp người thi hành công vụ ra quyết định hoặc tổ chức thi hành quyết định về thi hành án dân sự quy định tại Điều 38 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sau đây gọi chung là Luật TNBTCNN) chỉ phát sinh khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật;

b) Hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại Điều 38 của Luật TNBTCNN;

c) Có thiệt hại thực tế xảy ra;

d) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra và hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.

2. Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp người thi hành công vụ không ra quyết định hoặc không tổ chức thi hành quyết định về thi hành án dân sự quy định tại Điều 38 của Luật TNBTCNN chỉ phát sinh khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Có lỗi cố ý của người thi hành công vụ.

3. Nhà nước không bồi thường đối với thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại; trường hợp người thi hành công vụ và người bị thiệt hại cùng có lỗi thì Nhà nước chỉ bồi thường một phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người thi hành công vụ.

Điều 4. Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hoặc làm cơ sở để xác định người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật

1. Quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền theo quy định tại Điều 142 Luật Thi hành án dân sự đã có hiệu lực pháp luật.

2. Kết luận nội dung tố cáo của người có thẩm quyền theo quy định tại Điều 157 Luật Thi hành án dân sự.

3. Bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật.

[...]